Hà Nội triển khai đồng bộ, bài bản công tác cải cách hành chính

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 13:10, 18/08/2022

(HNMO) - Ngày 18-8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị. 

Tham dự hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 633 điểm cầu sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn với sự tham dự của 5.400 đại biểu.

Quang cảnh hội nghị nâng cao hiệu quả công tác Cải cách hành chính.

Nhiều kết quả tích cực

Báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính 7 tháng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2022, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là “Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của chính quyền và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”.

UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của thành phố do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Tổ trưởng.

Qua rà soát, thành phố đã đơn giản hóa 26 thủ tục hành chính, công bố công khai 3 thủ tục hành chính, danh mục 500 thủ tục hành chính, thay thế 33 thủ tục hành chính, bãi bỏ 476 thủ tục hành chính, ban hành 10 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Hệ thống thông tin “một cửa điện tử”, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trên toàn thành phố là 1.030.963 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,78%.

Thành phố đã sắp xếp giảm 280 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015, giảm 10,1%; hoàn thành chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế công chức, viên chức so với năm 2015 (giảm 1.473 biên chế công chức, 15.204 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước).

Đặc biệt, để đổi mới hình thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, thành phố đã phê duyệt Đề án thi tuyển đối với 86 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại 49 cơ quan, đơn vị. Đến nay, đã hoàn thành 38/86 chức danh, các chức danh còn lại đang thực hiện, bảo đảm xong trong năm 2022. Thành phố cũng đã chỉ đạo triển khai các nền tảng cho phát triển Chính quyền số: Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu địa phương (LGSP) kết nối liên thông Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) (dự kiến hoàn thành trong quý IV-2022).

“7 tháng năm 2022, thành phố đạt nhiều kết quả tích cực, chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố năm 2021 được duy trì và có sự chuyển biến: Chỉ số PARINDEX nằm trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước (xếp thứ 10/63); Chỉ số SIPAS tăng 3 bậc so với năm 2020, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đề ra năm 2021 là 86%); Chỉ số PAPI tăng 39 bậc so với năm 2020, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố”, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng đã giới thiệu về Bộ Chỉ số PAR INDEX, phân tích Chỉ số PAR INDEX của thành phố Hà Nội, đồng thời, khuyến nghị một số giải pháp nâng cao Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS năm 2022 của thành phố Hà Nội.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng phát biểu tại hội nghị.

Trong đó, đồng chí lưu ý thành phố chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức tại bộ phận “một cửa” cấp xã, phường; công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao sự đồng thuận trong hệ thống hành chính. Cùng với đó, thành phố phải không ngừng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương để lan tỏa các thực tiễn tốt về cải cách hành chính. Đặc biệt, việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính phải gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…

Thông tin về giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nêu 17 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, SIPAS giai đoạn 2021-2025 của thành phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử.

Về một số giải pháp cụ thể, thành phố sẽ ban hành Đề án “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính hiện đại các cấp của thành phố Hà Nội” trên cơ sở tích hợp một số nội dung của Đề án 06; ban hành Quy chế về việc tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; chủ động triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, thành phố tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy (cơ quan chủ trì là Sở Nội vụ)…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận về các giải pháp trong công tác thông tin, tuyên truyền công tác cải cách hành chính, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công tác trong quá trình chuyển đổi số…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao việc UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị quy mô lớn về công tác cải cách hành chính. Ghi nhận Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực trong 7 tháng năm 2022, đồng chí cũng đồng thời đề nghị thành phố thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, thực hiện 17 giải pháp mà Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn đã nêu ra.

Đánh giá cao việc thành phố Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, thành phố rà soát lại những vấn đề bất cập, tránh chồng chéo trong việc quản lý. Đồng chí lưu ý, cải cách công vụ phải gắn với xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, tạo sự khác biệt, ấn tượng trong công tác tiếp dân. Đặc biệt, thành phố Hà Nội phải là thành phố thông minh, đi đầu trong chuyển đổi số…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Gốc của cải cách hành chính là thái độ phục vụ của chính quyền

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, gốc của cải cách hành chính là thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền. Cùng với đó là mối quan hệ trong hệ thống. Đồng chí đề nghị, sau hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chuyển tải thông điệp này tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tiếp tục nâng cao thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thông tin về việc thành phố đã và đang thành lập các ban chỉ đạo các đề án rất thiết thực (triển khai xây dựng đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền; thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố sang tự chủ tài chính…), Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo rất đồng bộ, bài bản. Ban Cán sự đảng UBND thành phố cùng các ban Đảng Thành ủy, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã làm tốt các đề án mang tính then chốt này thì sẽ giải phóng được các nguồn lực và phát triển.

Hiền Thu - Ảnh: Viết Thành