Phải tuân theo điều hành của chủ tọa phiên tòa về ghi âm lời nói, ghi hình ảnh
Chính trị - Ngày đăng : 12:30, 18/08/2022
Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 15-8, Ủy ban Tư pháp đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh. Trong đó, dự thảo Pháp lệnh đã tiếp thu và quy định Chủ tịch UBND các cấp đồng thời có thẩm quyền xử phạt trong tất cả các giai đoạn tố tụng để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được khẩn trương, kịp thời.
Ủy ban Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, bảo đảm thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Ví dụ, đối với hành vi vi phạm của luật sư, dự thảo Pháp lệnh không quy định hình phạt bổ sung là “tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn” như các Nghị định của Chính phủ, vì hầu hết các chủ thể có thẩm quyền xử phạt trong Pháp lệnh này lại không được Luật Xử lý vi phạm hành chính giao thẩm quyền áp dụng biện pháp “tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn”. Vì vậy, nếu quy định biện pháp nêu trên sẽ dẫn tới vô hiệu hóa nhiều quy định về thẩm quyền xử phạt và không đáp ứng yêu cầu xử phạt kịp thời các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Về đề nghị rà soát quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm thống nhất với các luật tố tụng, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm quy định thống nhất giữa Pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý đối với quy định hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp: “Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự” sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Bổ sung hình thức xử phạt tước giấy phép hành nghề luật sư
Phát biểu về hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nêu quan điểm cần viện dẫn quy định xử phạt bổ sung đối với luật sư thực hiện hành vi này theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề xuất, vi phạm của luật sư nói riêng và các chủ thể khác nói chung tham gia hoạt động tố tụng có vi phạm bị xử phạt hành chính thì có mức độ khác nhau, không phải mức độ nào cũng tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Do đó, hình thức này nên được quy định là hình thức xử phạt bổ sung trong dự thảo pháp lệnh.
Làm rõ thêm một số nội dung, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiệm vụ của pháp lệnh này nhằm bảo đảm quá trình tố tụng diễn ra trọn vẹn, tôn nghiêm, nhanh chóng. Do đó, việc luật sư cản trở hoạt động tố tụng sẽ không loại trừ áp dụng hình phạt nặng hơn là tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề có thời hạn như một biện pháp xử phạt bổ sung.
Đối với vấn đề ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định, quy định này nhằm bảo vệ quyền riêng tư, bí mật thông tin cá nhân của đương sự và các bên tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm Hội đồng xét xử toàn tâm toàn ý ban hành phán quyết, bản án công tâm, đúng pháp luật về những nội dung liên quan đến sinh mạng và quyền lợi của con người.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung tiếp thu giải trình dự thảo Pháp lệnh. Riêng nội dung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đối với luật sư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề vào pháp lệnh tương tự như đã được quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP với thẩm quyền như các quy định hiện hành.