Tích cực chuyển đổi sử dụng bao bì thân thiện với môi trường
Công nghệ - Ngày đăng : 06:54, 19/08/2022
Mua xong một số hàng hóa tại siêu thị MM Mega Market (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh), chị Lương Ngọc Dung (khách du lịch đến từ thành phố Hải Phòng) ngỡ ngàng khi thấy nhân viên tính tiền không cho đồ vào túi ni lông như thông thường mà hướng dẫn chị hoặc dùng miễn phí thùng các tông bên ngoài siêu thị để đựng đồ, hoặc mua ưu đãi 20.000 đồng/túi dứa dùng nhiều lần để đựng hàng hóa kèm theo lời giải thích, lâu nay, siêu thị không dùng túi ni lông khó phân hủy. "Siêu thị đã chuẩn bị nhiều hộp các tông, có người phụ giúp dán thùng đựng đồ cho khách; túi dứa dùng nhiều lần cũng rất đẹp và chắc chắn, lại rẻ. Tôi thấy cách làm này khá hay”, chị Lương Ngọc Dung nhận xét.
Tại siêu thị Lotte Mart quận 7 (thành phố Hồ Chí Minh), nhân viên bán hàng vẫn dùng túi ni lông đựng đồ cho khách. Tuy nhiên, 100% số túi này là ni lông sinh học, tự hủy 100% trong vòng 3 tháng ở điều kiện tự nhiên và thân thiện với môi trường. Đây là một trong 5 hoạt động của chương trình "Cam kết xanh" mà siêu thị Lotte Mart đã triển khai trên toàn quốc. Theo đó, siêu thị cam kết lộ trình sử dụng bao bì là sản phẩm tái chế; sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay túi ni lông và các vật dụng bằng nhựa khó phân hủy...
Nhiều hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ khác như Co.op Mart, Winmart, thậm chí là các cửa hàng thuốc như Pharmacity... cũng đã sử dụng túi ni lông sinh học đựng đồ cho khách. Tuy nhiên, công việc này tại các chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn. Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, thành phố cần khoảng 16.548 tấn túi nhựa để khách mua hàng đựng đồ. Tuy nhiên, mới có 18% (khoảng 200 tấn túi nhựa) sử dụng tại chợ truyền thống là túi tự hủy thân thiện với môi trường.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý chợ Tân Định (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) Lê Thanh Hải, lực cản lớn nhất với các tiểu thương là giá túi tự phân hủy còn cao. Nếu dùng thay thế túi ni lông (mỗi khách mua cần 2-3 túi) thì người dân phải chi phí gấp hơn 2 lần (40.000 đồng/kg so với 17.000 đồng/kg túi khó phân hủy).
Bà Trương Xuân Hà, tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Ban Quản lý chợ cũng đã tuyên truyền. Tuy nhiên, túi thân thiện với môi trường có giá thành cao, nhưng lại không đựng được đồ nặng. Khách hàng của tôi đã mấy lần bị rách túi, rơi đồ, nên tôi lại sử dụng túi ni lông. Rất mong có cách khắc phục hạn chế này”.
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh thông tin, từ đầu tháng 6 vừa qua, Sở đã triển khai Kế hoạch tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần tại hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Mục tiêu của kế hoạch là đến hết năm 2022, có 100% siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy. Cũng trong năm 2022, tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% (khi hết năm 2023 tỷ lệ này là 65%) sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.
Nhằm trợ giúp tiểu thương các chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, dự kiến từ quý III-2022, thành phố sẽ phát miễn phí một lượng nhất định túi ni lông tự hủy cho người bán hàng. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền lợi ích của loại bao bì này để các tiểu thương ủng hộ. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm bao bì tốt, thân thiện với môi trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội.