Sôi động tuần hàng OCOP

Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 19/08/2022

(HNM) - Tiếp tục chuỗi hoạt động hỗ trợ, quảng bá, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã, đang tổ chức nhiều tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố. Đây là những hoạt động thiết thực giúp các chủ thể đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, lựa chọn các sản phẩm OCOP.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm trong “Tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố” tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).

Tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ

Những ngày đầu tháng 8-2022, UBND huyện Phúc Thọ đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP. Rất nhiều sản phẩm của huyện đã góp mặt tại sự kiện này, từ chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa đến thịt lợn sinh học Thọ Lộc... Chị Hoàng Thị Ái Mơ, thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Phú An (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) cho biết: Các chương trình quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP không chỉ hướng đến việc hỗ trợ chủ thể tiêu thụ hàng hóa, mà còn là cơ hội để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm bắt được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nghiên cứu đổi mới, thúc đẩy phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường.

Phó Chủ tịch huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: Là huyện có gần 60 làng có nghề; địa hình với bãi, đồng, đồi gò… nên Phúc Thọ có thế mạnh phát triển đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp… Đây cũng là lợi thế để huyện phát triển các sản phẩm OCOP. Trên thực tế, đến nay, Phúc Thọ đã có 50 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn OCOP.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại… Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện. Nhiều sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 55 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các “tuần hàng” với mục đích tuyên truyền về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP, giúp nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, thủ tục của nhà phân phối để đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.

Đưa sản phẩm chất lượng đến với người dân

So với các năm trước đây, công tác hỗ trợ các chủ thể trong quảng bá, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP có nhiều nét mới. Thay vì được tổ chức tại các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố như các năm trước, năm nay, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội mở các “tuần hàng” tại rất nhiều điểm như: Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), Trung tâm thương mại Khu đô thị Vincom Royal City (quận Thanh Xuân), huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây…

Tại Công viên Thống Nhất, mới đây “Tuần hàng tư vấn, giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố” đã thu hút hàng nghìn người dân tới tham quan, tìm hiểu, mua sắm. Bà Đỗ Mai Hoa, người dân tham quan, mua sắm tại tuần hàng cho biết: “Sản phẩm gắn mác OCOP còn khá mới mẻ với tôi. Đến với sự kiện, tìm hiểu kỹ mới biết đây đều là các sản phẩm đã được cơ quan chức năng giám sát về chất lượng, có tem nhãn đầy đủ nên tôi yên tâm khi lựa chọn. Tôi đã biết nhận diện các sản phẩm này để có thể mua ở các lần tiếp theo”.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Ban tổ chức sự kiện đã đề nghị các chủ thể có sản phẩm OCOP được UBND thành phố Hà Nội công nhận tham gia “tuần hàng” duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để sản phẩm OCOP ngày càng phát triển. Các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng trực tuyến cần tăng cường kết nối giao thương để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Được biết, từ đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã có 488 sản phẩm của các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP, vượt 88 sản phẩm so với mục tiêu thành phố đặt ra. Các mặt hàng tham gia đánh giá thuộc nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc… Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức lan tỏa của Chương trình OCOP đã đến được với đông đảo các hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp cũng như các tầng lớp nhân dân.

Nguyễn Mai