Vận dụng sáng tạo bài học của Cách mạng Tháng Tám trong phát triển Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 06:40, 19/08/2022
Thu hút nhân tài, đoàn kết lãnh đạo quần chúng giành chính quyền
Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hà Nội diễn ra nhanh gọn khi tận dụng được các điều kiện thuận lợi của tình hình thế giới và giải pháp khôn khéo, tránh xung đột vũ trang với quân đội Nhật Bản. Sau nhiều cuộc biểu dương lực lượng trong hòa bình, sáng 19-8-1945, cả Thủ đô tràn ngập khí thế cách mạng, đồng bào tập trung kéo đến quảng trường Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Chính quyền về tay nhân dân trong hòa bình. Đây được đánh giá là một cuộc cách mạng hết sức thành công nếu nhìn lại lịch sử thế giới với rất nhiều cuộc cách mạng tại thủ đô nhiều quốc gia diễn ra ác liệt với thiệt hại lớn.
Thành công đó có được nhờ nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, nhạy cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đã dày công tìm kiếm, đào tạo những người tài thành các nhà lãnh đạo Đảng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Có thể kể ra những học trò tiêu biểu của Người, có vai trò vô cùng quan trọng trong dẫn dắt cách mạng Việt Nam vượt qua vô vàn khó khăn từ ngày thành lập tới khi giành được chính quyền vào năm 1945 như đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập...
Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, với con mắt tinh tường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện, trọng dụng thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp, người sau này được thế giới bình chọn là 100 vị tướng xuất sắc nhất mọi thời đại. Với sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, ra đời, lập nhiều chiến công, khẳng định sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam, trở thành đối trọng quan trọng với các thế lực có ý định xâu xé, cướp nước ta.
Giành được chính quyền, với quan điểm “kiến quốc cần có nhân tài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng non trẻ đã thu phục và trọng dụng rất nhiều người có tài, có đức tham gia vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước. Đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trí thức ngoài Đảng được tin tưởng giao Quyền Chủ tịch nước khi lãnh tụ Hồ Chí Minh sang Pháp. Đó là cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Phạm Khắc Hòe, cụ Phan Kế Toại, “vua Mèo” Vương Chí Sình, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, bác sĩ Trần Duy Hưng, Trần Đại Nghĩa... Đó còn là sự ủng hộ vô điều kiện của các doanh nhân yêu nước như Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi... trong giai đoạn cam go của cách mạng.
Phát triển Hà Nội ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực
Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, trong suốt các giai đoạn cách mạng kể từ khi giành chính quyền, lập nước từ năm 1945, Hà Nội đã luôn thể hiện rõ vai trò, vị trí tiên phong, gương mẫu trên nhiều lĩnh vực, là “trái tim hồng” của cả nước.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2020, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010.
Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực...
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là công tác quán triệt, thể chế hóa, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị hiệu quả chưa cao. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và trách nhiệm của Thủ đô chưa sâu sắc, thiếu toàn diện. Năng lực, phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu, tư duy, tầm nhìn chiến lược, ý chí và khát vọng phát triển của một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn hạn chế; năng lực, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm nhiệm vụ...
Để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu, giải pháp hết sức cụ thể. Theo đó, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Có thể thấy, đó là những nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng đầy tự hào, thể hiện trách nhiệm “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”. Đặt trong bối cảnh hiện tại, khi tình hình chính trị, kinh tế thế giới phức tạp, dịch bệnh, thiên tai diễn biến khó lường, bản thân Hà Nội cũng có những vấn đề nội tại, việc thực hiện mục tiêu đề ra càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Hà Nội đã từng đứng trước những tình thế cam go, khó khăn hơn nhiều, thậm chí là “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng với sự ứng biến linh hoạt, khả năng trọng dụng nhân tài, hiệu triệu quần chúng, mọi khó khăn đã được vượt qua và Thủ đô đã giành được những thành tựu nổi bật. Và, càng trong hoàn cảnh khó khăn đó, bài học về phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, đoàn kết, hiệu triệu nhân dân càng có ý nghĩa nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, thế mạnh của thành phố ngàn năm văn hiến, thành phố Anh hùng, Vì hòa bình; tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội. Dẫu còn đó những “lời ra, tiếng vào”, nhưng lượng người đổ về Thủ đô sinh sống, làm việc cũng như du khách nước ngoài đến Hà Nội vẫn tăng, cho thấy thành phố này vẫn là nơi đáng sống, đáng đặt niềm tin, “đất lành chim đậu”.
Để đoàn kết, phát huy lợi thế “địa linh, nhân kiệt”, việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô là hết sức cần thiết. Đồng thời, Thủ đô có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo quy định. Khi có được đội ngũ cán bộ tốt, niềm tin của người dân được củng cố, đắp bồi, không có nhiệm vụ cách mạng khó khăn nào là không thể thực hiện.