Khơi thông những ''nút thắt''

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 21/08/2022

(HNM) - Hơn 8 năm qua, trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013, nước ta đã tạo được hệ thống cơ sở pháp lý khá đồng bộ, góp phần khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Nguồn lực đất đai năm 2013 đóng góp 7-8% nguồn thu ngân sách thì đến năm 2021-2022 tăng lên trung bình 15-20%...

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, nguồn lực đất đai chưa phát huy để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có bất cập từ chính Luật Đất đai năm 2013. Nổi bật là lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được giải quyết hài hòa. Sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm. Tình trạng đầu cơ đất đai, nhà ở; tình trạng thổi giá, làm giá, đấu giá bỏ cọc, nâng cao giá trị để phát hành trái phiếu, thế chấp ngân hàng làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều, chiếm 60-70% tổng số vụ việc… Những bất cập này đã được chỉ ra và yêu cầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải giải đáp.

Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được công khai để nhân dân nắm bắt, góp ý. Dự thảo có nhiều điểm mới: Sửa quy định về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bỏ khung giá đất, sửa quy định về bảng giá đất, giá đất cụ thể; bổ sung khoản thu tài chính từ đất đai; bổ sung trường hợp thu hồi đất; bổ sung quy định về thời hạn sử dụng đất; sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng đất. Cùng với đó là hướng tới giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu dự án…

Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, với phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực, nhiều nội dung khó, phức tạp và nhạy cảm, tiến trình sửa đổi luật phải bảo đảm làm tốt công tác đánh giá tác động chính sách và lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo. Trước đó, vấn đề này cũng được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Như vậy, việc lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải được tiếp cận với tinh thần cầu thị, thực chất.

Được biết tới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Để có thể thu được những ý kiến chất lượng, cử tri mong rằng, các chính sách cần lấy ý kiến nên được tóm tắt, phân tích các điểm thay đổi, các điểm có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Về quy trình, ngoài đăng tải công khai dự thảo luật, cần cung cấp cả các tài liệu đánh giá tác động chính sách, các góp ý khác nhau của doanh nghiệp, việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo, các thảo luận và những vấn đề lớn. Có như vậy, việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia mới thực chất và hiệu quả hơn, qua đó góp phần bảo đảm chất lượng của dự án luật.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp và ban hành trong tháng 10-2023. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khơi thông được những “nút thắt” hiện nay, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Đỗ Quỳnh Chi