Đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công
Đời sống - Ngày đăng : 15:48, 21/08/2022
Sớm tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị
Đề cập những vấn đề khó khăn trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trên thực tế, các hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng với giá cả tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp với mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.
“Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ phải rạch đến 3 lần da mới đứt”, ông Nguyễn Tri Thức nói.
Từ thực trạng này, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức kiến nghị, Chính phủ và Bộ Y tế cho phép các bệnh viện từ hạng I, hạng đặc biệt được phép lựa chọn thương hiệu của nhà sản xuất để mua sắm các thiết bị điều trị kỹ thuật cao có tính chuyên sâu, phù hợp với mô hình bệnh tật và nhân lực được đào tạo của cơ sở y tế đó.
“Hiện, nếu đấu thầu với tên chung, các thiết bị trúng thầu không đảm bảo yêu cầu điều trị của các cơ sở y tế này từ đó gây kém hiệu quả, lãng phí. Những bác sĩ đi nước ngoài học, thực hành trên máy A, máy B, về đề xuất lãnh đạo viện mua đúng các loại máy được đào tạo để thao tác dễ dàng, phục vụ tốt người bệnh và giảm tỷ lệ tai biến. Đây là đề nghị chính đáng, còn xảy ra tiêu cực là vấn đề khác”, bác sĩ Thức nhấn mạnh.
“Công tác đấu thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế hiện nay đang có khó khăn rất lớn, diễn ra trên cả nước. Do đó, chúng tôi rất mong muốn, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ vấn đề. Không để tình trạng này kéo dài, vừa làm khó cho ngành, vừa gây khó khăn cho người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nêu ý kiến.
Cần đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập
Đề cập vấn đề khúc mắc hiện nay của ngành Y tế là tự chủ bệnh viện, GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa quốc gia cho rằng: “Tự chủ bệnh viện là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. Đừng nghĩ rằng tự chủ là khoán đứt mà tự chủ là tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau hỗ trợ. Như vừa rồi Bệnh viện Chợ Rẫy là điển hình. Dù họ đã rất cố gắng nhưng làm gì cũng vướng. Do đó, cần có những chế độ, quy định để phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho bệnh viện”.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đề nghị, Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy, việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ đạo.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cần đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập ban hành ngày 21-6-2021. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ. Nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60. Còn nếu không làm được thì dừng lại.
“Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần? Đây là 2 bệnh viện xương sống của hệ thống bệnh viện công, của ngành Y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại. Trong khi đó, một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Chính vì vậy, đồng chí Hồ Đức Phớc cho rằng, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được. Bởi vì hiện nay, Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, đến tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại.
Liên quan vấn đề khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, thiết bị y tế, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, phải sửa Nghị định 98 của Chính phủ, Thông tư 14 của Bộ Y tế liên quan trang thiết bị và Thông tư 15 của Bộ Y tế liên quan đến thuốc. Nếu Bộ Y tế không làm được, các cơ sở y tế không đủ trang thiết bị vật tư y tế tối thiểu để phục vụ người dân.
“Tôi đề nghị, Bộ Y tế và các cơ sở y tế, địa phương rà soát lại lần nữa, gửi về Bộ Tài chính để chúng tôi tiếp thu và đưa vào sửa đổi Thông tư 58. Thông tư 58 là hướng dẫn chung, chúng tôi sẽ sửa thông tư này sớm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế. Tài chính y tế còn nhiều bất cập, liên quan đến thực hiện tự chủ bệnh viện, giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mệnh giá và thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư... Giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực y tế còn chậm, tính đến ngày 30-6-2022, vốn chi thường xuyên mới giải ngân được 32%, vốn đầu tư công trung hạn mới giải ngân được 2,5% kế hoạch vốn giao năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hiện, ngành Y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây cũng là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá. Thủ tướng nhấn mạnh đến 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà ngành Y tế cần triển khai thời gian tới.
Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quan tâm, động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Y tế bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
“Phải mạnh dạn làm, cần thì thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội. Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới và các cơ sở y tế, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Bộ Y tế tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nghiên cứu nhanh, từng bước giao một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho địa phương quản lý”, Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.
“Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Các địa phương phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế qua thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu phải khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.
“Các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.