Hiệu ứng tích cực trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:16, 21/08/2022
Hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn
Trong năm 2022, tổng số nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là 126. Số liệu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố ngày 9-8 cho thấy, số nhiệm vụ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022 là 46/126 nhiệm vụ, trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện được 21/46 nhiệm vụ (45,7%), Thành phố Hà Nội được Chính phủ lựa chọn là đơn vị thực hiện điểm, làm mẫu, nhân rộng Đề án 06 trong toàn quốc.
Thời gian qua, thành phố đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu, với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Đặc biệt, Công an thành phố đã mở đợt cao điểm 30 ngày đêm (từ 25-7 đến 25-8) thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn...
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, trong tương lai, UBND thành phố sẽ không yêu cầu người dân khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân chỉ dùng 1 tài khoản định danh thống nhất để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó là thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, khai thác, chia sẻ kết quả số hóa để làm giàu dữ liệu, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Với khối các bộ, ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá có nhiều điểm nhấn với việc triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt 93,1%, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho người dân. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn thông tin, năm 2022, hệ thống này hướng tới giúp toàn bộ việc khai báo thông tin của thí sinh lớp 12, thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Bộ Công an với vai trò Thường trực thực hiện Đề án 06 đã hoàn thành 9/11 dịch vụ công mức độ 4; đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng Công an nhân dân, trong đó mở rộng phân cấp đến tận cấp xã. Điển hình là việc triển khai 2 dịch vụ công: Cấp hộ chiếu trực tuyến; phân cấp đăng ký, cấp biển số xe ô tô và mô tô tại cấp huyện, cấp xã giúp giảm thời gian đi lại, được nhân dân ủng hộ.
Tăng tốc, về đích
Thực tiễn cho thấy, quá trình thực hiện Đề án 06 có nhiều thuận lợi. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả, hỗ trợ chặt chẽ từ các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, giúp việc kết nối dữ liệu cũng như rà soát hệ thống bảo mật, an toàn. Song, cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu, thiếu đồng bộ, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Về thể chế, còn một số văn bản pháp luật chưa được ban hành gồm nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghị định về định danh và xác thực điện tử, thông tư về kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đặc biệt, Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, góp phần cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng. Thực tiễn thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua càng khẳng định tầm quan trọng, sự cần thiết của nhiệm vụ này, như việc ứng dụng công nghệ trong quản lý tiêm chủng vắc xin, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, để hoàn thành các mục tiêu năm 2022 và những năm tiếp theo của Đề án 06, còn rất nhiều việc phải làm. Để có những đột phá, những tháng cuối năm 2022 cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dịch vụ công liên quan thiết thực đến đời sống người dân, gồm: Liên thông nhóm thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh, đăng ký mã số thuế và dịch vụ thanh toán viện phí.
Về phía Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu tham mưu tỷ lệ phần trăm dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia để góp phần thúc đẩy thực hiện, tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, Bộ Tư pháp sẽ tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Trung tâm Điều phối dữ liệu dân cư, đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện “làm giàu” thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.