Bài học từ một vụ tai nạn giao thông

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 25/08/2022

(HNM) - Bộ Công an đã có giải đáp trên Cổng thông tin điện tử về trách nhiệm cứu giúp người bị tai nạn giao thông - vấn đề rất được quan tâm vì dư luận còn xôn xao về trường hợp một tài xế ở tỉnh Quảng Ninh đưa người bị tai nạn trên đường đi cấp cứu, nhưng sau đó bị người nhà nạn nhân tố cáo là người gây tai nạn. Việc Bộ Công an giải đáp cụ thể về vấn đề xã hội được dư luận nêu ra, có nhiều ý kiến trái chiều là rất kịp thời. Đây còn là việc làm có tính định hướng dư luận rất cao, giúp người dân có góc nhìn đúng đắn trước một hiện tượng xã hội, từ đó có ứng xử phù hợp.

Câu chuyện này được vợ của người tài xế chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Đáng chú ý, trong các ý kiến được nêu ra, có người cho rằng sẽ cân nhắc về tình huống này khi chứng kiến tai nạn xảy ra trên đường cũng như quyết định có cứu giúp người bị nạn hay không. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến khẳng định vẫn luôn sẵn sàng cứu giúp người bị nạn, kể cả khi bị vu oan. Bởi vì người có lòng nhân ái thật sự không bao giờ do dự trước hiểm nguy của người khác, càng không vì sợ bị hàm oan mà thờ ơ trước tính mạng người khác. 

Quan điểm này không chỉ phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, mà còn đúng với các quy định pháp luật hiện hành. Theo quy định, không cứu người bị tai nạn giao thông có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân và 1-2 triệu đồng với tổ chức. Đặc biệt, việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự (Điều 132, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hiện nay, số vụ tai nạn giao thông và người bị tai nạn giao thông hằng năm rất lớn, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của tổ chức, cá nhân. Do đó, việc cứu người khi bị tai nạn giao thông là việc làm cần thiết thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam khi tham gia giao thông.

Trên thực tế, với mật độ tai nạn giao thông lớn như vậy, những câu chuyện hàm oan như người tài xế ở tỉnh Quảng Ninh gặp là không phải hiếm. Từ câu chuyện này cho thấy, các cơ quan chức năng cần thiết phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông về các bước, các kỹ năng cơ bản khi cứu giúp người bị tai nạn trên đường. Tất cả phải nhằm giúp đỡ nhanh nhất để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe người bị tai nạn; hạn chế thấp nhất những rủi ro do cứu giúp nhưng không kịp thời, cứu giúp sai cách... Việc tránh để người cứu giúp bị hàm oan chỉ là vấn đề có tính hiện tượng, nhưng cũng phải tính toán để có biện pháp phòng ngừa, tránh hệ lụy đáng tiếc.

Người tham gia giao thông nhất thiết phải quan tâm và tự giác tiếp thu, nghiên cứu và trang bị cho mình những kỹ năng, hiểu biết cần thiết về trình tự, các bước xử lý, những kiến thức căn bản khi tham gia cứu giúp người bị tai nạn giao thông, nhất là kiến thức về sơ cứu, thông báo cho cơ quan công an, gọi lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp... Lòng tốt của người dân sẽ thực sự có ích nếu được trao đi cùng với sự hiểu biết và cẩn trọng trong quá trình cứu người gặp tai nạn giao thông trên đường.

Câu chuyện về người tài xế ở tỉnh Quảng Ninh vừa qua cũng là bài học đối với tất cả mọi người về sự cẩn trọng khi ứng xử với người cứu giúp người khác bị tai nạn giao thông. Bởi sự vội vàng, thiếu căn cứ dễ biến chúng ta từ người đáng lẽ phải biết ơn lại thành kẻ vô ơn.

Hà Vũ