Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP: Bước chuyển mạnh về chất lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 26/08/2022
Sản phẩm đánh giá, phân hạng có chất lượng tốt
Từ tháng 7, huyện Hoài Đức đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022 cho 17 sản phẩm, như: Bún khô, phở khô, miến dong, miến đậu xanh, bánh gai, bánh đa nem, đông trùng hạ thảo sợi khô, xôi khúc chay, nấm sò... của 10 chủ thể. Hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hoài Đức đã chấm điểm 2 sản phẩm tiềm năng 3 sao và 15 sản phẩm tiềm năng 4 sao.
Tương tự, sau 2 lần đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022, huyện Quốc Oai đã có 31 sản phẩm đủ điều kiện để trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đánh giá lần 2. Ông Đỗ Đình Yên (thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) cho biết: “Gia đình có nghề mộc truyền thống, tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và dành nhiều tâm huyết để thực hiện các tác phẩm: “Bình hoa sen gỗ mít”, “Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay mộc gỗ mít”, “Tranh vinh quy bái tổ gỗ gụ”... Các sản phẩm được tham gia đánh giá, phân hạng OCOP là minh chứng cho chất lượng và thương hiệu của gia đình và làng nghề địa phương”.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, năm 2022, thành phố đặt mục tiêu có 400 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Đến nay, đã có 488 sản phẩm đăng ký tham gia của 26/30 quận, huyện, thị xã. Các huyện Hoài Đức, Quốc Oai đã thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vòng 1. Về cơ bản, công tác đánh giá sản phẩm được các địa phương thực hiện trên cơ sở bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác theo các tiêu chí quy định tại bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và đều đạt tiêu chí công nhận 3 sao và 4 sao.
Đồng hành, hỗ trợ các chủ thể
Nhận xét về các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP năm 2022, Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Kinh Bắc (đơn vị tư vấn cho các chủ thể) Vương Thị Kim Thắm cho biết, năm 2022, đơn vị đã hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ và tham gia đánh giá, phân hạng các vòng. Nhìn chung, từ công tác hoàn thiện hồ sơ đến chất lượng sản phẩm đều có bước chuyển so với các năm trước. Các chủ thể đã quan tâm tới việc in dán tem nhãn, bao bì, minh chứng được các hợp đồng nguyên liệu “đầu vào” sản xuất. Do vậy, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí đánh giá, phân hạng. Mặt khác, khi tham gia xúc tiến thương mại, tiếp cận với sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trên cả nước nên các chủ thể đã học hỏi, thay đổi hình thức bao bì, chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất… của đơn vị mình. Nhiều chủ thể còn tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm cả bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến…
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, Phòng Kinh tế huyện đã hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện sản phẩm như: Tem truy xuất nguồn gốc; tư vấn cho các cơ sở tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện mẫu mã bao bì, nhãn mác, website và logo cho sản phẩm... Cùng với đó, huyện phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí kiểm nghiệm mẫu sản phẩm cho các cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP tham gia triển lãm, giới thiệu, quảng bá, bán hàng tại các hội chợ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, năm 2022, Hoài Đức phấn đấu có ít nhất 35 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, đạt từ 3 sao trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP; đồng thời tổ chức khai trương các điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP, sản phẩm làng nghề đặc trưng... Thời gian tới, Hoài Đức tiếp tục tích cực phối hợp với các sở, ngành của thành phố tổ chức tư vấn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất, quản lý theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO... đối với sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng hoặc nâng cấp sao OCOP.
Những hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng cũng như địa phương sẽ tạo động lực mới cho các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tham gia Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao hơn.