Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị

Chính trị - Ngày đăng : 21:11, 26/08/2022

(HNMO) - Ngày 26-8, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chương trình hành động xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết đã đề ra.

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thành ủy Hà Nội xác định tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội của thành phố Hà Nội tập trung quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Đồng thời, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực”, Chương trình hành động của Thành ủy chỉ rõ 6 nội dung cụ thể.

Trong đó, Hà Nội xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…) gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Không ngừng nâng cao mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và kinh tế số trong GRDP; năng suất lao động tăng bình quân: Năm 2025 đạt 7,0-7,5%, năm 2030 đạt 7,5%; đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố.

Đáng chú ý, thành phố sẽ ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước...

Hà Nội cũng sẽ tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo; chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam...

Về phát triển nông nghiệp, thành phố sẽ tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; rà soát quy hoạch đất đai và bố trí lại các vùng, các xã trọng điểm sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn...

Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước

Cũng theo chương trình hành động, Hà Nội sẽ tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô thông qua nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình “Hội tụ tinh hoa và cộng hưởng sức mạnh văn hóa quốc gia” với nhiều nội dung, cách thức thể hiện phong phú.

Thành phố quyết liệt triển khai Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia như Hoàng thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền,... và 5.922 di tích đã được xếp hạng... Bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa.

Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội... Phấn đấu Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,86-0,88 vào năm 2025 và khoảng 0,88-0,90 vào năm 2030.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế... Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”. Phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030, trong đó phấn đấu có khoảng 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2.

Đồng thời, thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai (đầu tư khép kín 07 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5), hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistics hiện đại.

Đối với phát triển đô thị, thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.

Hà Nội cũng sẽ quyết liệt triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; tập trung huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D, hư hỏng, xuống cấp, hết niên hạn và một số khu chung cư được lựa chọn để đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tạo tác động lan tỏa.

Chương trình hành động xác định nhiệm vụ tiếp tục bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh.

Đặc biệt, Thành ủy chỉ rõ, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, cụ thể định hướng nghiên cứu, đề xuất theo 3 nhánh gồm: Thể chế; cơ chế, chính sách và cơ chế phân cấp, phân quyền.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị bao gồm các phụ lục đi kèm nhằm chi tiết hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ và đặc biệt là phân công thực hiện gắn với “địa chỉ” trách nhiệm rõ ràng và thời hạn hoàn thành cụ thể.

Hà Vũ