Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại…

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:15, 28/08/2022

(HNM) - Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26-8-2022 của Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ: Thành phố sẽ tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến…

Nông nghiệp sinh thái cân bằng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, thúc đẩy 3 mục tiêu xã hội, kinh tế và môi trường; bảo đảm tăng trưởng bao trùm và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nông nghiệp sinh thái không phải vấn đề mới với Hà Nội. Thành phố đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái, trong đó nhiều mô hình kết hợp với du lịch như: Công viên nông nghiệp Long Việt ở huyện Sóc Sơn; du lịch sinh thái làng nghề Hồng Vân ở huyện Thường Tín… Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp sinh thái nói chung, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch nói riêng thường có quy mô nhỏ, sản phẩm đơn điệu, mới dừng lại ở những dịch vụ đơn giản (tham quan trang trại, tham gia hoạt động dã ngoại…), chưa được chú trọng đầu tư hạ tầng, chưa có sự kết nối để trở thành “điểm đến” hấp dẫn. Mặt khác, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân chưa tiếp cận rộng rãi với các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi khép kín từ đất đai đến cây trồng, từ trồng trọt đến chăn nuôi…

Thẳng thắn nhìn nhận thì nông nghiệp sinh thái vẫn còn một khoảng cách khá xa so với tiềm năng phát triển của Hà Nội. Vì vậy, một trong những mục tiêu của Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị trong lĩnh vực nông nghiệp là phát triển du lịch sinh thái.

Để phát triển nông nghiệp sinh thái như một mũi nhọn của Nông nghiệp Thủ đô, trước hết, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần có tư duy mới và những chương trình hành động cụ thể để tạo bước đột phá trong triển khai thực hiện. Qua đó, thúc đẩy các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời gắn phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số với việc kết nối các chuỗi giá trị bền vững để tạo động lực phát triển mới.

Mặt khác là hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển nông thôn, xây dựng các hành lang pháp lý…, tạo “lực hấp dẫn” thu hút các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, với du lịch sinh thái, cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ số theo hướng đồng bộ, các địa phương cần chú trọng xây dựng loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp sinh thái; đồng thời tăng cường quảng bá, kết nối để thu hút khách du lịch.

Cùng với việc thành phố tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ đầu tư, ngành Nông nghiệp cũng như các cơ quan thông tin cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc phát triển nông nghiệp sinh thái để người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương cần triển khai Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố Hà Nội bằng những kế hoạch, giải pháp cụ thể để tối ưu hóa tài nguyên, hình thành các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Thế Văn