Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ: Vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:14, 29/08/2022

(HNM) - Ngày 5-5-2022, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, ngày 26-8-2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài “Vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”” làm rõ chỉ đạo của Thành ủy cùng những đòi hỏi đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ và nhân dân Thủ đô.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bài 1: Khát vọng vươn lên

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là sự quan tâm đặc biệt, đồng thời là niềm tin tưởng, kỳ vọng to lớn của Trung ương dành cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26-8-2022 thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là quyết tâm với ý chí cao nhất biến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đề ra thành hiện thực.

Bước đột phá trong xây dựng, phát triển Thủ đô

Trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, nhằm phát huy tối đa vị trí, vai trò chiến lược quan trọng của Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 12-10-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề: “Một câu hỏi đặt ra là: Thủ đô của chúng ta sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới? Tôi cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và của Đảng bộ Thủ đô. Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được. Do đó, Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà phải nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới”.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ chính là đáp án cho câu hỏi của Tổng Bí thư với điểm mới nổi bật khác hẳn tất cả các nghị quyết, kết luận về phát triển Thủ đô Hà Nội trước đây. Đó là có tầm nhìn xa hơn, không chỉ có 10 năm (đến năm 2030), mà đến năm 2045 (thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước).

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ gồm 4 quan điểm, 2 mục tiêu và tầm nhìn, 8 nhiệm vụ - giải pháp chủ yếu, cùng 9 nội dung tổ chức thực hiện. Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã được cán bộ, nhân dân Thủ đô và cả nước đón nhận, đánh giá cao. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhìn nhận: “Sau khi nghiên cứu toàn văn Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, tôi cảm nhận được tính toàn diện, sâu sắc trong từng câu chữ”. Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô được đề cập trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ yêu cầu tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới thành phố phải vào cuộc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Từ đó mỗi cấp, ngành đều phải ra sức làm tốt trách nhiệm của mình. Nếu làm đúng được những yêu cầu ấy, Hà Nội thân yêu của chúng ta nhất định sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, hơn thế nữa, sẽ là bước đột phá trong xây dựng và phát triển Thủ đô”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên thể hiện sự thống nhất cao, coi việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ là trách nhiệm chính trị và sẽ vào cuộc với quyết tâm trên tinh thần vì Hà Nội, cùng Hà Nội.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Thủ đô Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội).

Quyết tâm biến khát vọng thành hiện thực

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ thêm một lần nữa khẳng định: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là định hướng lớn, có tính xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Lưu - Ủy viên Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” được đặt ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ là điểm nhấn quan trọng nhất, là nhân lõi và linh hồn các giá trị truyền thống và các giá trị hiện đại mà Thủ đô Hà Nội cần kiến tạo từ nay đến giữa thế kỷ XXI.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ cùng những vấn đề cốt yếu như vậy, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Quá trình xây dựng thực tế đã bắt đầu từ ngay trong khi xây dựng Dự thảo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ trình Bộ Chính trị, đặc biệt từ khi nghị quyết được ban hành. Sau nhiều vòng lấy ý kiến các cấp, các ngành, Dự thảo Chương trình hành động đã được thảo luận tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII cuối tháng 6-2022. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu tối đa các ý kiến hoàn thiện Chương trình hành động để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Sau nhiều lượt, nhiều vòng rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cùng quá trình làm việc tâm huyết, trách nhiệm, kỳ công của các cơ quan tham mưu và lãnh đạo thành phố, ngày 26-8-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chương trình hành động đã xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu đến năm 2025, đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Bộ Chính trị đề ra. Đáng chú ý, nhiệm vụ đầu tiên trong 8 nhiệm vụ được Thành ủy Hà Nội xác định, đó là: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố tập trung quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế.

“Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội”, Chương trình hành động nêu rõ.

Điểm nhấn nổi bật là Chương trình hành động là về tổ chức thực hiện. Từng nhiệm vụ phân công cho các cơ quan, đơn vị đã được rà soát rất kỹ, bảo đảm chất lượng với tinh thần chung là mỗi nhiệm vụ đều có địa chỉ cụ thể, gắn với trách nhiệm cụ thể và tiến độ, thời hạn. Có 4 phụ lục kèm theo Chương trình hành động. Ngoài 29 chỉ tiêu thực hiện, các phụ lục của Chương trình hành động đã phân công 96 nội dung nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương thuộc thành phố; đồng thời kiến nghị, đề xuất 74 nội dung nhiệm vụ đối với các cơ quan trung ương; phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi việc thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình hành động.

Có thể nói, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ là công trình công phu, có quy mô và chất lượng cao; tương xứng, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tầm nhìn mà Bộ Chính trị đặt ra nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây là tiền đề, là cơ sở thuận lợi để các cấp, ngành, cùng toàn thể cán bộ, nhân dân Thủ đô triển khai, tổ chức thực hiện với quyết tâm đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, để những khát vọng xây dựng và phát triển Hà Nội thực sự “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trở thành hiện thực.

(Còn nữa)

“Nghị quyết số 15-NQ/TƯ mang tầm nhìn thời đại, đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn. Với tầm tư duy đi trước thời đại, nghị quyết sẽ soi rọi hướng đi, thổi luồng sinh khí linh thiêng vào tâm khảm mỗi người dân Thủ đô và đồng bào cả nước”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Lưu, Ủy viên Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Hiền Lương