Đồng bằng sông Cửu Long: Giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao
Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 31/08/2022
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 14,9%
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, với dân số hơn 17 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước; đóng góp 15,4% Tổng sản phẩm trong nước (GDP). Các doanh nghiệp trên địa bàn có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, tỷ lệ doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chỉ đạt 46%; doanh nghiệp có website là 42%. Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Thị Diệu Hiền cho rằng: “Điều này cho thấy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới ở mức độ sơ cấp. Một trong những nguyên nhân là chưa có đủ nhân lực công nghệ thông tin”.
Về vấn đề này, Trưởng nhóm quản trị nhà nước kiêm cố vấn phát triển số của Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Nguyễn Khánh Cẩm Châu cho biết, trong số khoảng 430.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin của cả nước thì nhân lực ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 5%. Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), nhiều sinh viên sau đào tạo không ở lại miền Tây làm việc mà lên các thành phố lớn vì nhiều cơ hội hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nhân lực chất lượng cao.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Mekong Herbals (có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) Trần Văn An cho biết, rất khó tuyển lao động vào những vị trí đòi hỏi trình độ tay nghề, chuyên môn cao. Còn đại diện nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến cấp trung và cấp cao Navigos Search Việt Nam chia sẻ, theo dự báo trong quý III-2022, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp về phát triển phần mềm - kỹ thuật dữ liệu - trí tuệ nhân tạo (AI)…, nhưng nguồn nhân lực cho những vị trí này chưa nhiều.
Theo VCCI Chi nhánh Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 10 triệu lao động. Tuy nhiên qua thống kê, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 14,9% và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 6,8%, thấp nhất cả nước.
Cần có giải pháp tổng thể
Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Khánh Tùng, nhận định đã đến lúc các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần có chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Để giải “cơn khát” nhân lực chất lượng cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng cho biết, nhà trường đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc thực hiện Dự án “Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh”. Theo dự án này, từ nay đến năm 2028, nhà trường sẽ cử các cán bộ chuyên ngành Nông nghiệp và những chuyên ngành liên quan đi đào tạo sau đại học tại Hàn Quốc để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Còn Thạc sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, nhà trường đang triển khai chương trình đào tạo "Tài năng Mekong - đi để trở về" với mong muốn qua môi trường học tập, trải nghiệm ở ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế, nguồn nhân lực này sẽ có những đóng góp cho sự phát triển của vùng.
Tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có cách làm hay trong đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao. Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, Đồng Tháp được đánh giá có chất lượng lao động cao nhất cả nước với 80% số lao động đáp ứng được hoàn toàn hoặc một phần nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Để đạt được điều này, từ năm 2016 đến nay, Đồng Tháp chú trọng đào tạo lao động có tay nghề. Sau 5 năm nỗ lực tăng chất lượng nhân lực ở địa phương, số lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 70% (tăng gần 12% so với năm 2016), trong đó, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 50% (tăng 8%)...
Từ kinh nghiệm đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, từ nay đến năm 2030, Đồng Tháp tiếp tục mở rộng đào tạo, xây dựng cơ chế thu hút và sử dụng nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế số, trước hết là trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh chú trọng việc chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.