Hà Nội: Ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông
Kinh tế - Ngày đăng : 15:00, 31/08/2022
Đáng chú ý, cùng với việc thực hiện bổ sung vốn cho các dự án, UBND thành phố sẽ chỉ đạo rà soát sự cần thiết đầu tư, khả năng thực hiện của từng dự án mới và khả năng cân đối vốn của từng ngành, lĩnh vực để lựa chọn danh mục và sắp xếp thứ tự ưu tiên, trong đó ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông.
Nhu cầu bổ sung vốn trung hạn rất lớn
Theo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, tổng kế hoạch vốn bố trí năm 2021-2022 đến nay là 62.315,3 tỷ đồng, bằng 26,5% tổng Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố 5 năm 2021-2025.
Đến nay, thành phố đã có thêm 69 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 6 công trình trọng điểm (gồm 4 dự án giao thông và 2 dự án di tích); ngoài ra còn có thêm 33 dự án được phê duyệt.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện kế hoạch nhìn chung chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân thấp, công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư phê duyệt dự án cũng chậm. Nhiều dự án mới dự kiến hoàn thành trong giai đoạn này nhưng với tiến độ chuẩn bị đầu tư hiện nay khó bảo đảm khả năng hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Đối với các dự án trọng điểm, thành phố có 39 dự án nhưng tiến độ triển khai của các dự án rất chậm. Trong đó, có 8 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang đang được triển khai nhưng có nhiều vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng như: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II...
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, tiến độ triển khai cũng chậm, hầu hết vướng công tác giải phóng mặt bằng và một số dự án có thời gian điều chỉnh dự án, hiệp định vay kéo dài.
Trong khi đó, nhu cầu bổ sung vốn trung hạn rất lớn và hiện còn rất nhiều dự án đề xuất bổ sung vào trung hạn, tạo sức ép lớn về nguồn và khó khăn trong cân đối bổ sung nguồn vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư tại một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là giao thông.
Hiện tại, thành phố còn tổng số 8.844,1 tỷ đồng chưa bố trí chi tiết kế hoạch vốn trung hạn ở các ngành, lĩnh vực. Trong khi, còn 244 dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư khoảng 202.047 tỷ đồng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư do chưa cân đối được nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó, có 13 dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến là 115.884 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số dự án đã được HĐND thành phố phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhưng chưa được cân đối bố trí kế hoạch vốn trung hạn cho phần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Lựa chọn danh mục và sắp xếp thứ tự ưu tiên
Trước tình hình đó, UBND thành phố đề xuất phương án cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 gồm 4 nội dung chính. Trong đó, thành phố xác định kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 22 dự án mới đã được HĐND thành phố quyết nghị chủ trương đầu tư là 2.553,1 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng ngành, lĩnh vực đã được xác định tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23-9-2021.
Đồng thời, thành phố quyết định bổ sung danh mục và kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn là 76,4 tỷ đồng cho 8 dự án, gồm 30,4 tỷ đồng cho 7 dự án lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; 46 tỷ đồng cho 1 dự án mới có tính khẩn cấp thuộc lĩnh vực môi trường từ dự phòng đầu tư công trung hạn.
Thành phố cũng đề xuất bổ sung kế hoạch vốn cho 11 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND thành phố phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án với kinh phí 359,1 tỷ đồng, gồm 3 dự án giáo dục - đào tạo và dạy nghề; 1 dự án văn hóa thông tin; 1 dự án lĩnh vực thủy lợi; 6 dự án lĩnh vực giao thông. Nguồn vốn bổ sung từ nguồn vốn trung hạn còn lại chưa phân bổ, dự nguồn của từng ngành, lĩnh vực nêu trên.
Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá tình hình, cân đối từ nguồn dự phòng và các quy định pháp luật liên quan, UBND thành phố đề nghị bổ sung 30.000 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 từ nguồn huy động của thành phố thuộc hạn mức dư nợ vay của thành phố theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội để triển khai thực hiện các dự án.
Cũng theo tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát danh mục dự án chuyển tiếp, dự án mới để ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn. Hà Nội cũng sẽ rà soát sự cần thiết đầu tư, khả năng thực hiện của từng dự án mới và khả năng cân đối vốn của từng ngành, lĩnh vực để lựa chọn danh mục và sắp xếp thứ tự ưu tiên, trong đó ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trường hợp dự án có vướng mắc kéo dài, không có khả năng thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 thì xem xét giãn tiến độ thực hiện, bố trí kế hoạch vốn sang giai đoạn sau...
Giải pháp đẩy nhanh triển khai thực hiện kế hoạch trung hạn
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
- Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt của các chủ đầu tư trong triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công.
- Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, công tác thẩm định, phê duyệt dự án để đủ điều kiện bố trí vốn trung hạn, hằng năm cho các dự án.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các nút thắt trong thực hiện kế hoạch đầu tư công (như công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá và công bố giá).
- Rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố.
(Trích tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố)