Tạo ''bệ phóng'' cho Thủ đô phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 04/09/2022

(HNM) - Giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu chi của Thủ đô cho đầu tư phát triển cần 650 nghìn tỷ đồng, nhưng khả năng ngân sách chỉ đáp ứng được 284,1 nghìn tỷ đồng. Nếu không có “bệ phóng” là cơ chế đột phá, Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm dự toán chi và nhu cầu chi trong giai đoạn tới, đặc biệt là nhu cầu chi cho đầu tư phát triển.

Những cơ chế đặc thù trong khai thác nguồn thu là cơ sở quan trọng để xây dựng Thủ đô trở thành đô thị hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Quang Thái

Điệp khúc thiếu hụt ngân sách

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta xác định: Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông... Trong khi đó, nguồn lực của thành phố còn thiếu và cơ chế phân cấp hiện hành không đủ tạo động lực cho hiện thực hóa nhanh và hiệu quả các yêu cầu, mục tiêu phát triển và quản lý phát triển.

Ở góc nhìn khác, tính toán của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng cho thấy, tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2016 là 42%, giai đoạn 2017-2021 giảm còn 35%; năm 2022 giảm còn 32%. Thiếu hụt về ngân sách làm ảnh hưởng tới các khoản chi thường xuyên và chi cho phát triển nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, các mục tiêu xã hội, các chương trình y tế, giáo dục, phát triển khoa học - công nghệ, môi trường sinh thái...

Cần đột phá hơn trong cơ chế phân cấp quản lý

Cho rằng Luật Thủ đô còn thiếu vắng các quy định và cơ chế cụ thể cần thiết trong phân cấp quản lý tài chính, ngân sách và đầu tư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm, vị thế và yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô đòi hỏi cần đột phá hơn trong cơ chế phân cấp quản lý hiện hành về tài chính, ngân sách và đầu tư công.

“Cần cho phép thành phố được thực hiện các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực văn hóa - thể thao có phạm vi rộng hơn Luật Đầu tư theo phương thức PPP, được phép quyết định mức vốn nhà nước ở mức tối đa là 70% trong các dự án PPP. Bởi hoạt động văn hóa - thể thao có sự tập trung loại hình, quy mô phát triển cao, mang tính đại diện và trực tiếp góp phần quan trọng vào phát triển đời sống văn hóa, thể thao quốc gia”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cần tăng thẩm quyền về quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, đầu tư công trên địa bàn thành phố. Cân nhắc cho phép thành phố tăng vốn, giao đất đai, tài sản cho doanh nghiệp nhà nước hiện có thuộc thành phố, nhằm tập trung ngân sách và các nguồn lực đầu tư để triển khai xây dựng, quản lý và khai thác các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu của Thủ đô.

Để tạo “bệ phóng” thúc đẩy phát triển Thủ đô, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, các chuyên gia, nhà quản lý còn cho rằng, cần đề ra cơ chế khai thác nguồn thu đặc thù cho Thủ đô, bổ sung vào việc xây dựng, sửa đổi Luật Thủ đô thời gian tới đây. Trong đó, nguồn thu chính nên tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp, khai thác các nguồn thu từ đất, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế đô thị và kinh tế tuần hoàn. Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký trên 1.000 dân của Hà Nội còn rất thấp. Nếu thực hiện tự chịu trách nhiệm về ngân sách, tạo điều kiện ổn định tỷ lệ phần trăm huy động ngân sách của Hà Nội vào ngân sách trung ương sẽ khuyến khích Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế dân doanh, chuyển đổi kinh tế hộ gia đình thuộc khu vực kinh tế phi hình thức sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vận dụng kinh tế số, thu thuế qua mạng sẽ góp phần nâng cao tính năng động, sáng tạo của kinh tế địa phương.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nêu quan điểm phải giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố trong giai đoạn 10 năm. Tỷ lệ phần trăm phân chia một số khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thủ đô cần được xác định theo nguyên tắc phải dành tối thiểu 30% số thu thuế phí trên địa bàn (không bao gồm thu tiền sử dụng đất, thu bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu thuế xuất nhập khẩu) cho chi đầu tư phát triển của Hà Nội (thực tế giai đoạn 2017-2021 tỷ lệ này mới đạt 14,9%). Khi đó, sẽ tạo động lực khuyến khích ngân sách tăng tỷ lệ tích lũy từ thu chi ngân sách trên địa bàn Thủ đô cho phát triển…

Hà Phong