Bảo vệ cho được quyền lợi người tiêu dùng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:31, 04/09/2022

(HNM) - Để đáp ứng yêu cầu khách quan cũng như sự phát triển của đời sống xã hội trong bối cảnh mới, cơ quan chức năng đã trình để thông qua Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là bảo vệ cho được quyền lợi người tiêu dùng.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại siêu thị Winmart trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Đỗ Tâm

- Vì sao cần sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực hiện trong nhiều năm; đến nay nhiều quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tế cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Đời sống hiện đang diễn ra rất nhanh so với giai đoạn trước đồng thời cũng nảy sinh những vấn đề mới đòi hỏi chúng ta phải giải quyết một cách hiệu quả. Đặc biệt, đã xuất hiện các hình thức trao đổi, mua bán, hình thức hoạt động thương mại mới theo hướng hiện đại hơn. Thực tế đó cũng nảy sinh thêm các tình huống mâu thuẫn, xung đột; yêu cầu cần nâng cấp trình độ quản lý, trách nhiệm cơ quan chức năng cũng như nhận thức chung của xã hội trong giao dịch thương mại. Mục tiêu quan trọng nhất, có tính chất quyết định là vì quyền lợi người tiêu dùng. Nếu không bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng thì không thể tạo dựng mối quan hệ sản xuất - lưu thông - tiêu dùng lành mạnh cũng như đi ngược lại mục đích xây dựng nền văn minh thương mại.

- Vậy, Luật sửa đổi cần đi theo hướng nào?

- Nên xác định mục tiêu tiên quyết là sửa đổi luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế thích ứng với môi trường kinh doanh mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, cần nêu cao tinh thần chủ động, đề phòng ngay từ “gốc” thay vì xử lý “ngọn” thông qua việc xác định những quy định, chế tài đầy đủ, toàn diện, hợp lý nhằm bảo đảm hoạt động mua bán; nhất là quan hệ giữa bên bán hàng và người tiêu dùng diễn ra thật sự lành mạnh, đúng bản chất; phòng tránh sự gian lận và đặc biệt là bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Trên thực tế, ngày nào cũng có trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại bởi những sai phạm khác nhau nhưng phần lớn các trường hợp đều chưa được giải quyết một cách triệt để.

Quan điểm của tôi là luật phải công bằng, khoa học và vì con người. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải được quan tâm thỏa đáng, thường xuyên.

- Ông có thể nêu một số bất cập cần nhận diện, giải quyết?

- Các cơ quan chức năng hiện nay đang “đặt nặng” vấn đề hậu kiểm. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Đơn cử những cái gì “chui vào bụng”, ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì phải chú trọng công tác “tiền kiểm”. Tất nhiên, phải kiểm chính xác, kiểm tra một cách chính đáng chứ không phiền hà cho doanh nghiệp. Nếu cứ duy trì “hậu kiểm” thì khác gì “thả gà ra đuổi”. Hãy phòng từ “gốc”, đừng xử lý từ “ngọn”...

Do đó, cần hoàn chỉnh các quy định pháp luật, trong đó có việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

- Theo ông, nên bảo vệ người tiêu dùng thông qua các tiêu chí nào?

- Có nhiều tiêu chí, nhưng trên hết là bảo đảm cả chất lượng và giá cả hàng hóa. Vì nhiều khi người tiêu dùng phải mua hàng với giá “trên trời” mà không biết. Như hiện nay, khi giá xăng dầu đã giảm không ít nhưng giá các mặt hàng khác vẫn “đánh đu” ở bên trên. Vấn đề này, Chính phủ đã có chỉ đạo nhưng việc thực thi bên dưới chưa thực sự hiệu quả. Theo tôi, nếu các cơ quan chức năng không thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình thì cũng phải truy trách nhiệm trong việc để cho giá hàng hóa tự do “nhảy múa”, không thực hiện theo chỉ đạo. Những vấn đề này, khi xây dựng luật cần lưu ý.

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động mua bán qua mạng trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ?

- Bên cạnh tác động tích cực, hiện rất nhiều người than phiền bởi việc nhận được các cuộc điện thoại hay tin nhắn mời chào mua sản phẩm… Trên thực tế, các bên bán hàng hay yêu cầu người mua cung cấp thông tin, thậm chí mua bán thông tin cá nhân, dẫn đến chuyện người tiêu dùng phải nhận nhiều loại tin nhắn vô bổ. Hoặc khi mua hàng nhưng hàng không đúng yêu cầu, sai quy cách, mẫu mã, kể cả hàng không sử dụng được… Khách hàng thường phải chịu thiệt hại trong các trường hợp đó. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ, phù hợp để giải quyết tình trạng này.

Về nguyên tắc, phải kiểm soát chặt từ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, từ cả biên giới chứ không phải là khi người tiêu dùng sử dụng hàng kém chất lượng rồi thì mới tìm cách giải quyết. Dứt khoát phải làm tốt khâu “tiền kiểm”, đặc biệt là với thức ăn, đồ uống và dược phẩm. Bên cạnh đó, cần phát động phong trào quần chúng phát giác những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Sơn