Gạo xuất khẩu không còn “vô danh”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 06/09/2022
Sau nhiều năm xuất khẩu dưới dạng “bao trơn” hay đóng gói tên nhà nhập khẩu nước ngoài…, thương hiệu gạo của doanh nghiệp Việt Nam đã định hình tại những thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới. Hạt gạo Việt Nam được nhận diện với thương hiệu Việt Nam là một bước chuyển mới của ngành lúa gạo. Đây chính là minh chứng cho thành quả của chiến lược đổi mới - từ chú trọng sản lượng sang hướng tới chất lượng; cũng như việc phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm một cách bài bản của doanh nghiệp Việt Nam.
Thành công của các tập đoàn Lộc Trời, Tân Long cho thấy, xây dựng quy trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm đồng bộ, khép kín “từ cánh đồng đến bàn ăn” thông qua việc phát triển những cánh đồng mẫu lớn là một tất yếu. Và việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ từ quy hoạch vùng trồng, lựa chọn giống, thực hiện quy trình canh tác, sử dụng sản phẩm công nghệ sinh học đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến… chính là “lời giải” cho “bài toán” chất lượng, mang lại những giá trị mới cho sản phẩm lúa gạo Việt Nam…
Đưa thương hiệu lúa gạo Việt Nam chinh phục các thị trường quốc tế là một hành trình dài với nhiều nỗ lực. Hành trình này còn tiếp diễn với rất nhiều việc đã, đang và sẽ phải làm như: Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, tổ chức các chuỗi sản xuất chất lượng cao, đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu… Và quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết trách nhiệm giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách điều hành và quản lý kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo phù hợp với thị trường, các cơ quan quản lý nhà nước cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu, thiết lập văn phòng giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm; đồng thời tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, thương mại, thủ tục hải quan, logistics…, giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu, khai thác thị trường.
Chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị lúa gạo toàn cầu, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết sản xuất để chủ động nguồn hàng; triển khai các mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến, sau thu hoạch…, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam. Mặt khác là chú trọng bảo vệ và phát triển thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực giao thương...
Người nông dân, cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ, quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm liên kết, tuân thủ quy trình sản xuất để có những sản phẩm bảo đảm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đáp ứng tuyệt đối quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và truy xuất nguồn gốc...
Gạo Việt Nam không còn “vô danh” - thương hiệu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam đã chinh phục nhiều thị trường có giá trị cao. Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 có thể lên đến 6,3-6,5 triệu tấn, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những cường quốc lúa gạo của thế giới. Vấn đề cần thiết lúc này là tập trung thúc đẩy các cơ chế, chính sách, giải pháp… hoàn chỉnh chuỗi giá trị và phát triển thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam.