''Tư duy xanh'' để tăng trưởng xanh
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 07/09/2022
Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh có thể hiểu là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng nhằm thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn...
Từ năm 2012, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Nhiều văn bản pháp luật tầm quốc gia liên quan đã được ban hành và triển khai thực hiện. Mới đây nhất, trong Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26-8-2022 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Hà Nội đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Tuy nhiên, kết quả hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh còn hạn chế, cơ bản dừng lại ở mức chủ trương, kế hoạch tương lai. Những nơi manh nha xây dựng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như thành phố Hải Phòng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu... thì đang gặp trở ngại về cơ chế, chính sách. Nhận thức của tổ chức và cá nhân trong cộng đồng đối với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh còn hạn chế. Theo Bộ Công an, từ năm 2016 đến tháng 6-2022, lực lượng công an đã phát hiện 156.328 vụ việc với 173.010 đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Ngay ở những đô thị lớn, người dân vẫn “bức tử” môi trường sống bằng các hành vi vô tư xả rác ra đường, sử dụng bừa bãi đồ nhựa, túi ni lông... Ô nhiễm làng nghề ngày càng nghiêm trọng. Nhiều cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý chất thải vẫn hoạt động...
Để hiện thực hóa tăng trưởng xanh, đã đến lúc phải thay đổi mạnh về tư duy và hành động; xác định việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường là giải pháp quan trọng hàng đầu; hoàn thiện cơ chế, chính sách là giải pháp quyết định.
Về mặt vĩ mô, cần xác định rõ nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phát triển bền vững và Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu để tránh sự chồng chéo. Cùng với đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cần được cụ thể hóa xuống tận cơ sở, lấy cấp phường, xã, thị trấn làm hạt nhân thực hiện.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải trả lời được câu hỏi, thực hiện chiến lược này cấp mình cần phải làm gì. Các dự án, chương trình thực hiện chiến lược cần được xây dựng dựa trên năng lực nội sinh thay vì trông chờ, phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.
Các cấp, các ngành cần xác định rõ, doanh nghiệp và người dân là chủ thể chính trong thực hiện chiến lược, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hình thành “tư duy xanh”, “hành động xanh”, nhân rộng các mô hình sản xuất xanh, cộng đồng xanh, nếp sống xanh...
Tầm nhìn 2050 tưởng chừng còn xa, nhưng nếu không hành động quyết liệt ngay từ bây giờ, nhiệm vụ sẽ ngày càng khó khăn và càng khó đạt mục tiêu đề ra.