Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 08/09/2022

(HNM) - Khoảng 13h ngày 6-9, tại phòng học số 13 nhà D của Trường Trung học phổ thông Quang Minh (huyện Mê Linh), có một mảng vữa trần khoảng 2m2 rơi xuống. Rất may là chỉ có 2 học sinh bị mảng vữa rơi vào người, nhưng không gây thương tích nặng, hiện sức khỏe bình thường. Dù đây là sự việc hy hữu nhưng đã đặt ra vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trường học nói chung, đặc biệt trong bối cảnh năm học mới vừa bắt đầu.

Thực tế thời gian qua, vấn đề an ninh, an toàn trường học không chỉ liên quan đến trường, lớp học xuống cấp… Có không ít vấn đề xảy ra đã khiến học sinh, phụ huynh lo lắng, xã hội bất an. Đó là những vụ việc liên quan đến việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô; mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú học đường; cây xanh gãy đổ; học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông… Đáng lo ngại hơn là tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp, gây nhức nhối trong ngành Giáo dục và toàn xã hội.

Trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, học sinh không thể đến trường, thì chúng ta luôn làm mọi việc để con em có môi trường học tập tốt nhất. Để không còn những vụ việc tương tự như ở Trường Trung học phổ thông Quang Minh, việc bảo đảm đầy đủ trường, lớp học tiếp tục phải là ưu tiên hàng đầu của ngành Giáo dục cũng như các địa phương. Ngoài ra, các đơn vị, nhà trường thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất (tường bao, móng, trần, tường, cây xanh, bàn ghế, hệ thống điện...) và có biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời nếu phát hiện các nguy cơ mất an toàn.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, các kỹ năng an toàn, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại cổng trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra và tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy nhằm chủ động, kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại thiếu sót về lĩnh vực này tại các nhà trường, cơ sở giáo dục… Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh phải được sự thống nhất và đồng thuận của phụ huynh học sinh; phù hợp lứa tuổi; bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức.

Một nhiệm vụ cần chú trọng nữa là thường xuyên tuyên truyền việc phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Cha mẹ và đội ngũ giáo viên cần thường xuyên dành thời gian nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi, đùa gần sông, hồ, ao... nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, trong nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, vui vẻ, tích cực cho học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Qua đó giúp học sinh hình thành những đức tính tốt, có thái độ nhân văn khi ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình và những người xung quanh, khơi gợi tinh thần nhân ái, biết sẻ chia, bao dung, biết sống vì cộng đồng.

Các nhà trường cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như dịch sốt xuất huyết, dịch sởi, cúm, tay chân miệng, đặc biệt là dịch Covid-19. Trong đó, cần phối hợp với cha mẹ học sinh và các đơn vị liên quan để đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi quy định. Cùng với đó là bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, nước sạch… trong nhà trường. Đặc biệt, các trường có tổ chức bữa ăn bán trú cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm, bảo đảm bữa ăn luôn tươi ngon, an toàn cho học sinh.

Bảo đảm an ninh, an toàn trường học là phải thường xuyên, chủ động, kiên quyết không để “mất bò mới lo làm chuồng”!

Bắc Vũ