Đồng bộ, quyết liệt lập Quy hoạch Thủ đô
Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 11/09/2022
Việc lớn, việc khó, chưa có tiền lệ
- Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7-3-2022, chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều nội dung. Với vai trò là cơ quan lập quy hoạch, ông có thể cho biết những công việc quan trọng đã làm được thời gian qua?
- Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tổ chức triển khai.
Về công tác tổ chức, UBND thành phố đã có các quyết định giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô; điều chỉnh, kiện toàn Ban Chỉ đạo; thành lập Tiểu ban chỉ đạo; thành lập Tổ Thường trực làm việc tại UBND thành phố. Cùng với đó, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 25-5-2022 phân công nhiệm vụ cụ thể và mốc thời gian hoàn thành đối với các phần việc, các đơn vị liên quan. Đặc biệt, lãnh đạo UBND thành phố đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao tiến độ cũng như chất lượng công việc. Đơn cử, chỉ trong vòng 2 tuần cuối tháng 8-2022, Chủ tịch UBND thành phố đã chủ trì 2 buổi làm việc với Ban Chỉ đạo để nắm bắt tình hình, đồng thời có những chỉ đạo cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ, chất lượng đối với công tác lập quy hoạch. Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban lập quy hoạch đã chủ trì hàng chục cuộc họp, trong đó có cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành liên quan để quán triệt các nội dung cần triển khai.
Về chuyên môn, các quận, huyện, thị xã, sở, ngành đã triển khai các nhiệm vụ, phần việc theo phân công. Về phía Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Tổ Thường trực, chúng tôi đã tổ chức các hội nghị triển khai, hướng dẫn các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị nội dung phục vụ lập quy hoạch; tổ chức các buổi tọa đàm xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế về các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, phát triển đô thị, tổ chức không gian. Đồng thời, Viện cũng đã khảo sát, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố.
- Mới đây, UBND thành phố Hà Nội nhận định, một số nội dung công việc triển khai lập Quy hoạch Thủ đô còn chậm so với tiến độ tại Kế hoạch số 146/KH-UBND. Sự tham gia và phối hợp của một số cơ quan, đơn vị liên quan với cơ quan được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô là việc lớn, việc khó, việc mới, chưa có tiền lệ, đòi hỏi tập trung công sức, trí tuệ; sự vào cuộc đồng bộ của các quận, huyện, sở, ngành; sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đến nay, từng phần việc cụ thể đã được triển khai và đạt những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền, thành phố cũng đã báo cáo, đề xuất với Trung ương xem xét, tháo gỡ.
Trước hết là các vấn đề về pháp lý, hệ thống các văn bản pháp luật để triển khai lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch 2017 còn chưa đầy đủ, thiếu các hướng dẫn cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục tài chính, hành chính. Một số căn cứ quan trọng để xây dựng quy hoạch, như: Các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng… chưa hoàn thành hoặc chưa được phê duyệt. Cùng với đó là vấn đề thiếu đội ngũ chuyên gia, tư vấn có kinh nghiệm. Trong khi đó, thành phố phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: Lập Quy hoạch Thủ đô và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nên khối lượng công việc rất lớn.
Thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn còn không ít lãnh đạo đơn vị chưa thật sự tập trung, dành nhiều tâm sức cho công tác quy hoạch; thiếu đầu tư, nghiên cứu dẫn đến lúng túng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật. Sự phối hợp của một số quận, huyện, sở, ngành chưa nhịp nhàng, dẫn đến việc xử lý công việc thiếu dứt điểm, chậm tiến độ.
Về phía Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, do chưa có kinh nghiệm trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô, thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi, nên mặc dù đã được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp của các cấp, ngành, sự nỗ lực của đội ngũ viên chức…, quá trình thực hiện vẫn không tránh khỏi những khó khăn nhất định.
Tăng trách nhiệm của người đứng đầu
- Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc vừa nêu, thời gian tới, thành phố cần có những giải pháp gì?
- Sẽ còn rất nhiều công việc phải làm trong khi thời gian không còn nhiều. Một điều chắc chắn là thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, phần việc quyết liệt hơn nữa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; chỉ đạo các cấp, ngành tập trung giải quyết những thủ tục hành chính, vấn đề khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền thành phố cũng như tranh thủ sự phối hợp của các bộ, ngành để kiến nghị, giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ chủ động lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân về ý tưởng, giải pháp quy hoạch xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Để có được bản quy hoạch chất lượng, rất cần khuyến khích các ý tưởng, quan điểm mới, đột phá cũng như tinh thần đổi mới, sáng tạo. Ông có thể chia sẻ trong các nội dung công việc đã làm, tinh thần này được thực hiện ra sao?
- Hiện nay, việc lập Quy hoạch Thủ đô đang ở giai đoạn chuẩn bị các thủ tục hành chính và tổ chức nghiên cứu. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng báo cáo khung định hướng Quy hoạch Thủ đô (đề cương chi tiết), trong đó sẽ đặc biệt quan tâm đến việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để đề cương thể hiện được những ý tưởng sáng tạo, các khâu đột phá, những đổi mới có tính khả thi và hiệu quả; báo cáo UBND thành phố để trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 9-2022.
Hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố; sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; sự tham gia tích cực của các chuyên gia, chúng ta sẽ có bản quy hoạch có chất lượng, thể hiện tinh thần đổi mới và có tính khả thi, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố toàn cầu vào năm 2045 được đặt ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Trân trọng cảm ơn ông!