Tăng cường truyền thông để người dân hiểu, đồng hành, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 18:32, 13/09/2022
- Là đại diện lãnh đạo đơn vị quản lý nhà nước đối với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, ông có thể chia sẻ đôi điều xung quanh câu chuyện được đăng tải trên báo chí mới đây về việc một gia đình gửi đơn kêu cứu, cho rằng người nhà mình bị đưa vào Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội không đúng quy định pháp luật?
- Sự việc tóm tắt như sau: Ngày 29-7-2022, Đội Trật tự xã hội lưu động thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (sau đây gọi tắt là Đội) tổ chức kiểm tra địa bàn. Trong quá trình làm nhiệm vụ, vào lúc 12h30, Đội đã phát hiện một số người có hành vi xin tiền tại khu vực trước cổng đình Ứng Thiên, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, trong đó có bà B.T.T. Đội Trật tự xã hội lưu động đã đưa bà T cùng những người có hành vi xin tiền về Trung tâm quản lý, nuôi dưỡng và chờ đưa về nơi cư trú theo quy định.
Tuy nhiên, ngày 19-8, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội nhận được đơn của con gái bà T là Đ.T.T.H khẳng định không có việc bà T đi lang thang và xin tiền của những người đi lễ đình Ứng Thiên. Về việc này, trên cơ sở báo cáo của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội và quá trình chỉ đạo, giải quyết vụ việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã báo cáo các cấp lãnh đạo thành phố và cung cấp thông tin trả lời các cơ quan liên quan theo quy định.
- Vậy cụ thể chuyện này ra sao, thưa ông?
- Không hề có chuyện “bỗng nhiên” đưa người về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội hoặc “tùy tiện giữ người trái quy định”.
Thứ nhất, hành vi xin tiền của bà B.T.T là có thực, được ghi hình làm bằng chứng theo đúng quy trình. Việc xin tiền diễn ra ngay tại khu vực trước cổng đình Ứng Thiên, trong khi đó, Quyết định 6053/QĐ-UBND ngày 29-8-2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội nêu rõ: Cần đặc biệt lưu ý đưa người lang thang, xin tiền tại các khu vực di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch về các trung tâm bảo trợ xã hội theo quy định. Bên cạnh đó, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, tại điểm b, Khoản 2 Điều 24 quy định người lang thang, ăn xin thuộc diện đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp.
Thứ hai, quy trình kiểm tra, tập trung, tiếp nhận, giải quyết người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 6053/QĐ-UBND ngày 29-8-2017 của UBND thành phố Hà Nội) nêu rõ: Các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội: (1) Trực tiếp kiểm tra, phát hiện người lang thang hoặc tiếp nhận thông báo từ các địa phương; (2) Thực hiện tiếp nhận, lập biên bản, đưa đối tượng về trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng, xác minh địa chỉ, chờ đưa về nơi cư trú. Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.
- Việc đưa người ăn xin – đối tượng cần trợ giúp khẩn cấp về các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng là chính sách trợ giúp xã hội quan trọng, nhân văn, qua đó, góp phần bảo đảm điều kiện sinh sống đối với các đối tượng thiệt thòi trong cuộc sống. Vậy theo ông, cần làm gì để mọi người dân hiểu, đồng hành, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Hà Nội?
- Trợ giúp xã hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị - xã hội – kinh tế quan trọng, cũng là nền tảng thực hiện công bằng xã hội, góp phần phát triển bền vững.
Chính vì vậy, sự việc này không đơn thuần là việc của một cá nhân, một gia đình, mà cho chúng ta thấy phải thường xuyên cập nhật, phân tích, phổ biến rộng rãi văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi cấp, ngành, người dân. Bởi khi mọi người đều hiểu rõ chính sách, sẽ không có tình trạng hiểu sai, thậm chí là vu khống, khi coi việc đưa người ăn xin vào trung tâm bảo trợ xã hội là “bắt người”, “còng tay”, “áp giải”, gây “hoảng loạn”…
Cần nói thêm, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội là loại hình cơ sở trợ giúp xã hội, vì vậy không được trang bị các công cụ hỗ trợ, nên không thể có chuyện “còng tay” như đơn phản ánh!
Thực tế là ngay khi được tiếp nhận vào trung tâm, bà T được nhân viên y tế của đơn vị kiểm tra sức khỏe ban đầu, test nhanh Covid-19 và được theo dõi sức khỏe trong 7 ngày để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Cán bộ trung tâm cũng đã lập phiếu gửi và nhận tiền, tài sản của bà rành mạch, rõ ràng theo đúng quy định để quản lý tốt, tránh bị mất, thất lạc tài sản, tư trang cá nhân của đối tượng trong thời gian được quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Đồng thời, Trung tâm thông báo về nội quy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm; thông báo cho gia đình bà T vào Trung tâm lần 1, theo quy định tại Quyết định 6053/QĐ-UBND của UBND thành phố, bà được quản lý, chăm sóc trong thời gian tối đa 30 ngày. Trong thời gian ở Trung tâm, bà T được trang cấp đồ dùng sinh hoạt, cung cấp bữa ăn, nước uống hằng ngày (mức ăn 1.760.000 đồng/tháng, bằng mức ăn của đối tượng bảo trợ xã hội); sinh hoạt ngủ, nghỉ theo quy định của Trung tâm.
Theo thông tin bà T cung cấp, bà có tiền sử bệnh viêm đại tràng, mỡ máu cao, vì vậy, nhân viên y tế của đơn vị tiến hành theo dõi sức khỏe của bà và chưa phát hiện các dấu hiệu bất thường. Bà T được tham gia sinh hoạt bình thường, ăn uống đầy đủ, hòa đồng với các đối tượng khác tại Trung tâm và có ý thức tốt trong việc tham gia các hoạt động, sinh hoạt của Trung tâm. Hết thời hạn 30 ngày, toàn bộ tư trang của bà T được Trung tâm bàn giao lại cho bà T đầy đủ. Bà T đã trở về nhà an toàn, sức khỏe bình thường…
Thời gian qua, Hà Nội luôn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong đó, việc nâng cao nhận thức cá nhân, cộng đồng xã hội trong thực thi công tác trợ giúp xã hội đối với người ăn xin, lang thang là nhiệm vụ quan trọng. Qua sự việc lần này, các cơ quan thực thi chính sách thực sự rất cần sự đồng hành của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, giúp mọi người dân hiểu đúng, hiểu sâu, kịp thời phân tích, phổ biến chính sách một cách chính xác, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Thủ đô và đất nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!