Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tiếp tục là ''điểm nóng''

Chính trị - Ngày đăng : 12:29, 13/09/2022

(HNMO) - Sáng 13-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Việc tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức

Báo cáo kết quả giám sát, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, về tiếp công dân thường xuyên, tiếp đột xuất của lãnh đạo cơ quan hành chính các cấp, trong kỳ báo cáo cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 2.781.675 lượt công dân, có 24.363 lượt đoàn đông người. So với quy định, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 38%; chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 56%; chủ tịch UBND cấp huyện tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 94%; chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 49%...

Đoàn giám sát nhận định, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Theo thống kê cho thấy, tiếp công dân của người đứng đầu cấp xã ít, cấp huyện có nhiều hơn, cấp tỉnh không cao, cấp bộ thì thấp. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó…

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo.

Từ đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị bảo đảm theo đúng quy định; nghiên cứu triển khai rộng mô hình phối hợp với luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tổ cáo ở địa phương; nghiên cứu chế định “luật sư công”; đánh giá mô hình tiếp công dân của Ban tiếp công dân cấp huyện để có hướng dẫn, chỉ đạo…

Trong kỳ báo cáo, cơ quan hành chính các cấp tiếp nhận 2.286.108 đơn các loại, trong đó có 406.149 đơn khiếu nại, 185.391 đơn tố cáo, 1.669.108 đơn kiến nghị, phản ánh và 25.460 đơn tư pháp; có 1.299.268 đơn đủ điều kiện xử lý. Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 169.713 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,8%.

Qua làm việc với các cơ quan, Đoàn giám sát dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt là khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là một “điểm nóng”, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và tập trung ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phải thu hồi, bồi thường đất…

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai; trật tự xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường, tranh chấp liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư và một số vấn đề mới nảy sinh được dư luận và nhân dân quan tâm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai. Trong quá trình sửa đổi cần quan tâm hướng dẫn đến một số vướng mắc hiện nay trong việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng hình thức giao đất dịch vụ; nhà đầu tư chưa nhận được 100% sự đồng thuận của người có đất nằm trong dự án để thực hiện dự án theo phương thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thảo luận.

Làm rõ việc tỷ lệ UBND các cấp tiếp công dân còn thấp

Thảo luận về báo cáo giám sát, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh băn khoăn việc tỷ lệ tổ chức tiếp công dân của các bộ, UBND các cấp theo quy định còn thấp, thậm chí có 4 tỉnh chưa nhận được thông số tiếp công dân của chủ tịch UBND tỉnh nhưng trong phần kiến nghị đề xuất trong báo cáo chưa có “sức nặng” về vấn đề này. “Ở đây chúng ta mới phản ánh, còn nhận xét, đánh giá, ghi nhận của đoàn giám sát về các đơn vị, địa phương làm tốt cũng như chưa tốt cũng không được rõ ràng”, Trưởng ban Công tác đại biểu nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh cũng nhận định, tỷ lệ tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp xã thấp là điều rất “vô lý”, bởi đây là cấp gần dân, sát dân nhất, những vấn đề xảy ra tại địa phương thì người đứng đầu phải biết đầu tiên. “Có thể công dân đến nhiều lần nhưng thấy chủ tịch UBND cấp xã không giải quyết được vấn đề gì nên bỏ qua cấp này để đến thẳng cấp tỉnh. Cần làm rõ nguyên nhân việc chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân đạt tỷ lệ thấp để có giải pháp”, bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu thực tế, nhiều chủ tịch UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, không thi hành án hành chính, do đó đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo kiểm điểm các trường hợp này. Về tình trạng “đơn chuyển lòng vòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cần sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng khi nhận đơn không phải thẩm quyền giải quyết thì trả lại đơn và hướng dẫn công dân chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo cần chỉ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành để kiểm tra, giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu mô hình, Hà Nội là địa phương có riêng Ban Chỉ đạo của Thành ủy về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong đó phân công rõ công việc, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo các cấp, định kỳ kiểm đếm công việc nhằm không để phát sinh các vụ việc mới.

Về tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần xem xét tính khả thi của quy định pháp luật về tiếp công dân của người đứng đầu chính quyền các cấp để bảo đảm phù hợp với thực tế cũng như chấn chỉnh việc thực hiện. Đối với giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp song song với thực hiện tốt cơ chế hòa giải, thương lượng trong quan hệ dân sự; cơ chế đối thoại trong các vụ việc hành chính... nhằm giải quyết tốt hơn đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần có đánh giá tổng thể bởi đây là lĩnh vực rộng, liên quan đến cả hệ thống chính trị.

“Chính phủ xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ và theo quy định của luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu và thực hiện nghiêm túc các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, kiến nghị của đoàn giám sát.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan, hoàn thiện báo cáo. Về dự thảo Nghị quyết, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc, sau đó đoàn giám sát sẽ tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Về vấn đề liên quan đến đất dịch vụ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, có những vấn đề còn tồn tại liên quan đến đất dịch vụ trên địa bàn thành phố từ trước khi điều chỉnh địa giới hành chính và kế thừa cơ chế, chính sách của Luật Đất đai 2013 và các nghị định ban hành trước Luật.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu.

Bà Phạm Thị Thanh Mai cho biết, thành phố hiện có hơn 12 nghìn hộ tại 6 quận, huyện với quỹ đất dịch vụ cần bố trí là hơn 34ha. Thành phố đã cố gắng trên cơ sở quy hoạch để có được quỹ đất này. Về cơ chế chính sách, Hà Nội mong được cơ chế đặc thù để tháo gỡ được vấn đề giao đất dịch vụ cho người dân, qua đó giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo liên quan.

Tiến Thành