Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030

Đời sống - Ngày đăng : 15:12, 14/09/2022

(HNMO) - Ngày 14-9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo góp ý kiến vào Dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc.

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ, việc góp ý kiến đối với dự thảo “Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030” là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ trí thức góp phần thực hiện Kết luận số 52/KL-TƯ ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 7 (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Được kỳ vọng sẽ đề xuất nhiều quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp đột phá nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Dự thảo Chiến lược đặt ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính xuyên suốt, định hướng cho sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn tới; 2 mục tiêu tổng quát và 3 nhóm chỉ tiêu cụ thể về phát triển đội ngũ trí thức, về đóng góp của đội ngũ trí thức và về đầu tư để phát triển đội ngũ trí thức.

Chiến lược cũng đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung áp dụng cho tất cả các nhóm trí thức và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng áp dụng riêng cho một số nhóm trí thức đặc thù. 

Nhận xét về Dự thảo Chiến lược, PGS.TS Phạm Bích San (Viện Thông tin kinh tế và phát triển) cho rằng, đề án được xây dựng công phu, các mục tiêu được đặt ra rõ ràng và các giải pháp theo cách tiếp cận phù hợp và xác đáng. Tuy nhiên, luận cứ khoa học trong Dự thảo Chiến lược không thật vững chắc. Về mặt phương pháp luận, sẽ là tốt hơn nếu Dự thảo có sự trình bày cụ thể hơn về những phương pháp đã sử dụng: Sự hợp lý khi dùng những phương pháp đó và độ tin cậy của các thông tin thu được khi sử dụng những phương pháp đó...

Quang cảnh hội thảo.

TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, cho rằng việc phân loại các nhóm trí thức trong Dự thảo còn nhiều chỗ chưa thống nhất. Có chỗ nêu 8 nhóm, có chỗ lại đề cập chỉ có 7 nhóm. Ban soạn thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cần quan tâm nghiên cứu phương án phân loại trí thức theo 3 khu vực: Trí thức trong khu vực Nhà nước, trí thức trong khu vực thị trường (trong doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp) và trí thức trong khu vực xã hội dân sự (trí thức trong các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và ngoài xã hội). Phân loại theo hướng này thì khi xây dựng cơ chế, chính sách sẽ có nhiều thuận lợi tránh bất cập về sự chồng chéo và không rõ ràng.

Về chính sách đối với trí thức, TS Phạm Văn Tân cho rằng, các chính sách mới chỉ tập trung quan tâm nhiều tới đội ngũ trí thức trong khu vực Nhà nước. Trí thức trong khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và trí thức trong các tổ chức xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Kết luận hội thảo, đồng chí Phan Xuân Dũng hoan nghênh các nhà khoa học, các chuyên gia đã đóng góp ý kiến thẳng thắn, khách quan nhằm giúp các cơ quan chức năng tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện Dự thảo chiến lược. 

Thu Hằng