Hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 15/09/2022
Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, kiêm Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh, thời gian qua, thành phố đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và đối tượng chính sách khác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ 334 tỷ đồng, đến nay, chi nhánh đã và đang thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt trên 12.770 tỷ đồng với gần 255 nghìn khách hàng vay vốn, tăng gần 12.440 tỷ đồng, gấp 38,2 lần so với thời điểm nhận bàn giao.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Qua đó, giúp 243 nghìn hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 808 nghìn lao động; giúp hơn 148 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo 775 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung, 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với 8/8 phường trên địa bàn quận, tạo điều kiện cho người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách. Trên 33.600 lượt khách hàng đã được vay vốn, trong đó có 13 nghìn lượt khách hàng là hộ nghèo, 528 lượt khách hàng là hộ cận nghèo… 3.800 lượt người lao động cũng đã được trả lương trang trải cuộc sống trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19… Từ năm 2018 đến nay, quận Cầu Giấy không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2017 là 0,11% (62 hộ) giảm xuống còn 0,03% (23 hộ) vào cuối năm 2021.
Tại huyện Thanh Oai, trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã giúp các đối tượng chính sách trên địa bàn giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã được huyện sử dụng hiệu quả để phục hồi, phát triển kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát…
Từ thực tế triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TƯ ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh mong muốn thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo bổ sung nguồn vốn để cho vay giải quyết việc làm, thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới luôn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, các quận, huyện, thị xã… tiếp tục tham mưu bố trí ngân sách thành phố và các quận, huyện, thị xã chuyển bổ sung vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm. Qua đó, tạo nguồn lực ổn định, bền vững để triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.