Xử lý nghiêm vi phạm trong quản lý đất đai

Đời sống - Ngày đăng : 05:44, 17/09/2022

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai. Dư luận cho rằng, đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng để lành mạnh hóa thị trường đất đai.

Nghị quyết số 115/NQ-CP về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng để lành mạnh hóa thị trường đất đai. Ảnh: Trọng Hiếu

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ:
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa

Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; bảo đảm khai thác, sử dụng, quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai cho quá trình phát triển đô thị Hà Nội bền vững; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết.

Bên cạnh đó, Sở sẽ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, bảo đảm yêu cầu minh bạch và không để thất thu thuế nhà nước; đồng thời tiến hành đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái:
Hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai theo hướng hiện đại

Giai đoạn 2020-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phải hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai, phấn đấu đạt trình độ quản lý theo hướng hiện đại. Nhận thức rõ quản lý đất đai là vấn đề khó, nhạy cảm, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể tăng cường quản lý, kiểm tra để quản lý trong lĩnh vực này; phân công trách nhiệm và chỉ đạo cụ thể từng sở, ngành liên quan, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn; quan tâm phúc

lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội... Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được giao là cơ quan đầu mối phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và xử lý vi phạm; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chậm thực hiện và kịp thời đề xuất, báo cáo UBND thành phố những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh:
Huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý đất đai

Những năm qua, huyện Hoài Đức tập trung chỉ đạo, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tham gia quản lý tốt đất đai; triển khai Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các chương trình quản lý đất đai theo phương châm: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”; xây dựng lộ trình thực hiện cho từng nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ Thành ủy, UBND thành phố đề ra. Cùng với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, huyện sẽ đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất...

Bà Nguyễn Thị Thanh Chi, đảng viên Chi bộ số 20, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh và đưa công tác quản lý đất đai trở nên minh bạch

Để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh và đưa công tác sử dụng, quản lý đất đai trở nên minh bạch, việc tiên quyết là phải giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật có liên quan. Mặt khác, cần phân cấp rõ ràng, giao quyền quản lý cho từng địa phương tổ chức thực hiện; cơ quan trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Cuối cùng, cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo ra công cụ pháp lý đủ mạnh, hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong việc người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Với Nghị quyết số 115/NQ-CP, tôi tin tưởng thị trường đất đai sẽ được lành mạnh hóa và trở nên minh bạch.

Ông Nguyễn Đình Toàn, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên:
Quản lý giá đất theo cơ chế thị trường một cách thực chất

Thực tế, giao dịch đất đai ở Việt Nam chủ yếu là phi chính thức nên cơ sở dữ liệu, nhất là về giá, chưa được làm đầy đủ. Do đó, để quản lý giá đất theo cơ chế thị trường, rất cần cơ sở để xác định các yếu tố đầu vào. Bỏ khung giá đất để hướng việc thu giá đất theo cơ chế thị trường là cuộc cách mạng về tư duy quản lý, vừa giúp Nhà nước tránh thất thu thuế, hạn chế tối đa nạn tham ô, tham nhũng trong quản lý đất đai; vừa giúp xóa bỏ cơ chế xin cho, đưa thị trường giao dịch bất động sản trở nên công khai, minh bạch, chống lại nạn đầu cơ, thổi giá.

Nhóm PV Ban Bạn đọc