Cảnh giác trước nguy cơ cháy nổ do điện
Đời sống - Ngày đăng : 19:41, 17/09/2022
Cháy do sự cố điện tăng cao
Dư luận vẫn không khỏi đau xót, tiếc nuối trước sự hy sinh dũng cảm của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội tại quán karaoke ISIS, số 231 Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) hồi đầu tháng 8 vừa qua. Mặc dù đã hướng dẫn 8 người bị nạn thoát ra ngoài an toàn nhưng khi 3 chiến sĩ lên tới tầng 4 của quán thì các vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà đã sập xuống cầu thang bộ làm cả 3 chiến sĩ hy sinh.
Thực tế, đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ cháy để lại hậu quả đáng tiếc, gây thương vong lớn. Điều đáng bàn là các vụ cháy đều bắt nguồn từ sự bất cẩn, thiếu hiểu biết trong việc sử dụng thiết bị điện. Số liệu thống kê của Công an thành phố Hà Nội đã cho thấy rõ điều đó. Trong nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thương vong về người và thiệt hại về tài sản đã xảy ra trên địa bàn thành phố thì số vụ cháy nổ do điện chiếm đa số. Cụ thể, trong 545/848 vụ cháy đã điều tra làm rõ nguyên nhân (chiếm 64,27%), có 398 vụ hỏa hoạn là do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 46,93%). Qua khảo sát một số cơ sở kinh doanh hàng quán trên địa bàn, phần lớn các cơ sở đều là nhà ở chuyển đổi mục đích sử dụng. Đường điện thiết kế ban đầu dành cho gia đình, nay phải chịu tải nhiều thiết bị tiêu hao điện năng lớn cùng lúc như điều hòa, bếp điện, bếp điện từ..., dẫn đến nguy cơ quá tải, gây chập cháy.
Đề cập đến vấn đề này, ông Ngô Huy Hoàng, Phó Trưởng ban An toàn Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, có 2 nguyên nhân chủ yếu gây các vụ hỏa hoạn từ điện, đó là do quá tải và tiếp xúc. Cụ thể, nguyên nhân gây quá tải là do khi lắp đặt mạng, hệ thống điện người ta không tính toán, thiết kế có yếu tố dự phòng khi tăng số lượng thiết bị sử dụng gây quá tải dẫn đến hư hỏng phần cách điện của vỏ dây, dẫn đến chập cháy. Nguyên nhân từ tiếp xúc là do việc lắp đặt đường dây dẫn, đấu nối thiết bị không đúng kỹ thuật, không dùng đúng các phụ kiện đấu nối dẫn đến chỗ đấu nối không bảo đảm chắc chắn, khi sử dụng thiết bị điện có công suất lớn sẽ gây phát nhiệt làm hư hỏng phần cách điện, dẫn đến chập cháy. Cùng với đó là phần cách điện của dây dẫn (vỏ bọc dây) sử dụng lâu ngày nên hư hỏng do tác động vật lý, bị động vật cắn, do khí hậu ẩm ướt..., dẫn đến chập điện.
Tăng cường tuyên truyền, hạn chế sự cố về điện
Theo EVNHANOI, từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty đã phối hợp với lực lượng chức năng cắt điện kịp thời để phục vụ cho công tác chữa cháy, bảo đảm an toàn cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cũng như người dân. Cùng với đó, để giảm thiểu sự cố chập cháy đường dây, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, từ đầu năm 2022, EVNHANOI đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, các công ty điện lực thực hiện đồng bộ các chương trình, giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng, bổ sung các trạm biến áp 110kV, 220kV trên địa bàn Hà Nội, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất của khách hàng. Các trạm biến áp được xây dựng mới với công nghệ hiện đại cùng hệ thống điều khiển từ xa và không có người trực. Đồng thời, EVNHANOI đã kiểm tra, rà soát tình trạng vận hành, mang tải của các thiết bị, đường dây; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, đường dây lưới điện; rà soát, cập nhập, tiến hành phân tích đánh giá số liệu phụ tải theo từng khu vực, từ đó đưa ra dự báo phụ tải sát với thực tế, xây dựng kịch bản, giải pháp cấp điện ứng với kịch bản phụ tải cực đoan nhất (những ngày nắng nóng đột biến) và ứng phó một cách chủ động với các kịch bản có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn liên tục trong mọi tình huống. Các công ty điện lực thuộc EVNHANOI cũng tổ chức kiểm tra trên hệ thống lưới điện bằng súng đo nhiệt độ, camera chụp ảnh nhiệt nhằm phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh nguồn nhiệt của các thiết bị điện, kịp thời thông báo cho các đơn vị quản lý ngăn chặn, xử lý.
Để hạn chế tối đa sự cố cháy nổ do điện, thời gian qua, ngành Điện Thủ đô đã biên soạn tài liệu tuyên truyền, khuyến cáo bảo đảm an toàn trong sử dụng điện với mẫu “EVNHANOI khuyến cáo sử dụng điện an toàn, hiệu quả” gửi Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện, thị xã để phối hợp thực hiện tuyên truyền. Gần 400 nghìn tờ rơi tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy liên quan đến điện đã được phát tới người dân. Cùng với đó, Tổng Công ty phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống truyền thanh phường, xã; chia sẻ video clip qua kênh YouTube nhằm phổ biến quy định của pháp luật và kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ… Các cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm tra, ký phân định ranh giới trách nhiệm đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện đối với khu dân cư, hộ gia đình, đơn vị sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần trang bị kiến thức về an toàn khi sử dụng điện. Theo ông Ngô Huy Hoàng, việc thiết kế, thi công và lắp đặt thiết bị của hệ thống điện sử dụng trong nhà cần được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Khi xây dựng hay sửa chữa công trình, người dân cần sử dụng các thiết bị bảo vệ quá tải như cầu chì, aptomat; lắp đặt hệ thống aptomat chống giật trong gia đình, không dùng dây dẫn điện bị hư hỏng cũng như bộ phận cách điện bị trầy xước. Cần sử dụng điện đúng với công suất thiết kế ban đầu; khi dùng thiết bị có công suất lớn thì cần thiết kế 1 đường dây riêng biệt nối trực tiếp sau aptomat tổng của gia đình. Mỗi gia đình phải lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Hàng hóa dễ cháy không được để gần bóng điện, ổ cắm… Bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu 0,5m. Ngoài ra, khi sử dụng bàn là, bếp điện… thì phải có người trông coi, không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết để bảo đảm an toàn...
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả, duy trì thường xuyên công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu Công an Thành phố tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức rút kinh nghiệm từ các vụ cháy đã xảy ra, từ đó xác định rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục.
Đối với các đơn vị, địa phương để xảy ra vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Công an thành phố cần phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, đề xuất hình thức xử lý trong trường hợp có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, không triển khai đầy đủ các nội dung, biện pháp mà UBND Thành phố đã chỉ đạo. Trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm thì phải điều tra, xử lý nghiêm.
Thành phố cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là việc vận động để 100% số hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chưa có “lối thoát nạn thứ 2” phải hoàn thành việc này…