Đề xuất giải pháp xây dựng "Người nông dân chuyên nghiệp"

Nông nghiệp - Ngày đăng : 13:42, 12/09/2022

(HNMO) - Đây là nội dung được thảo luận tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức ngày 12-9.

Quang cảnh diễn đàn.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng tham dự. 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Trong đó, mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với vai trò: Làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của nông dân và dân cư nông thôn.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp nhằm tạo cầu nối trao đổi, nhận diện thực trạng, đối thoại cởi mở, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị xây dựng: "Người nông dân chuyên nghiệp"...

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, nông dân đóng vai trò chủ thể trong thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, mỗi một kết quả, thành công đều có sự đóng góp của 12 triệu hộ hội viên nông dân, trong đó có 4 triệu hội viên là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh hiện đại. Đến nay, đã có gần 65% số xã cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới, nhiều địa phương cấp xã, cấp huyện đang bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập của nông dân các khu vực bình quân đã cao gấp 2-2,5 lần so với năm 2010.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng cho biết, hằng năm cả nước có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều mô hình sản xuất với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp hơn 200.000 hộ nông dân thoát nghèo. So với giai đoạn 2012-2017, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại diễn đàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng; an ninh nông thôn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp...

Diễn đàn tập trung bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW về kinh tế tập thể đã đề ra. Cụ thể là: Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động trong nông nghiệp bình quân 5,5-6%/năm...

Phó Chủ tịch nước đề nghị, sau diễn đàn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sớm tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân, các doanh nghiệp và các đại biểu tham dự, từ đó phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề trước mắt và lâu dài cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta.

Tại diễn đàn, các đại biểu chia sẻ thông tin thúc đẩy liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, nông dân với nông dân để xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa; cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết, chi tổ hội nghề nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, đào tạo nghề để nâng cao trình độ cho nông dân; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, có kiến thức giới thiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản; những vấn đề đặt ra đối với nông dân trong giai đoạn mới...

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Duy Hưng, yếu tố quyết định đến sự thành công của thực hiện Nghị quyết 19 là nhóm giải pháp: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; làm sao để nông dân và cư dân nông thôn thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn...

Ngọc Quỳnh