Tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:23, 20/09/2022

(HNM) - Thời gian qua, ngành Hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung. Theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, doanh nghiệp sẽ được tạo thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Hướng dẫn khách hàng làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Gia Thụy (Cục Hải quan thành phố Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm

Theo Tổng cục Hải quan, đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ 1-3 giây.

Cùng với đó, từ năm 2012, cơ quan hải quan đã kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment). Tiếp đến, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/24 giờ. Doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, kết nối internet; bảo đảm thông tin nộp tiền được thanh khoản kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan. Số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.

Tổng cục Hải quan cũng đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi... Việc triển khai hệ thống hải quan tự động góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp. Đến nay, việc thực hiện giám sát hải quan tự động được thực hiện tại hầu hết các cục hải quan tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả mang tính đột phá. Đến nay, Tổng cục đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng internet. Về tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Tổng cục đã hoàn thành tích hợp 98 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Với vai trò là cơ quan Thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại, trong thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc điều phối và phối hợp với các bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại. Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của hơn 54,8 nghìn doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị kỹ thuật và Công nghệ AVCO (quận Hoàng Mai) Nguyễn Văn Vẻ chia sẻ: "Trước đây, hồ sơ thủ tục hải quan nộp bằng giấy. Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, hồ sơ doanh nghiệp có thể khai báo trên hệ thống điện tử, nhờ đó doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí".

Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã ký ban hành Quyết định số 707/QĐ-TCHQ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ngành Hải quan phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hải quan số, trong đó thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về hải quan với hệ thống công nghệ thông tin có mức độ tích hợp cao, có tính mở, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng toàn diện nhu cầu xử lý tự động tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc - mọi nơi - trên mọi phương tiện. Định hướng đến năm 2030, hoàn thành hải quan thông minh; 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa... Với mục tiêu và định hướng trên, doanh nghiệp sẽ được tạo thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Hương Thủy