Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 11:46, 20/09/2022
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 12 chương, 117 điều quy định việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của các tổ chức kinh tế hợp tác, bao gồm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã; chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác; nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức đại diện.
Xóa bỏ định kiến đối với hợp tác xã kiểu cũ
Trình bày Tờ trình tóm tắt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác.
Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ các quan điểm xây dựng luật là: Bám sát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới. Căn cứ Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30-8-2022 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật với phương án 1: Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.
“Đây là cách tiếp cận phù hợp, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường hiện đại; phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, dần xóa bỏ định kiến đối với hợp tác xã kiểu cũ nên đã được Chính phủ thống nhất và được đa số bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương nhất trí”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Đối với phương án 2, tên gọi Luật Hợp tác xã, một số cơ quan đề nghị giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã, lấy hợp tác xã là trung tâm để xây dựng khung pháp lý đối với các tổ chức kinh tế hợp tác khác, bảo đảm tính ổn định, thống nhất trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có dẫn chiếu đến Luật Hợp tác xã, không ảnh hưởng đến việc tra cứu, sử dụng và áp dụng luật. Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật; vấn đề thay đổi tên luật cũng có thể được xử lý bằng quy định về việc dẫn chiếu đến Luật Hợp tác xã năm 2012 của các văn bản khác đang còn hiệu lực sẽ tiếp tục áp dụng theo quy định của luật này.
Cân nhắc giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TƯ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, kết cấu lại các nội dung của dự án Luật bảo đảm tính logic, hợp lý hơn. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung, luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn nhằm bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch của luật được ban hành. Đối với các nội dung không thể quy định chi tiết tại dự án Luật, cần nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn kèm theo, bảo đảm hiệu lực thi hành của luật theo quy định.
Về tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó xác định vai trò nòng cốt của các hợp tác xã với các loại hình hợp tác xã, một mặt vẫn bảo đảm bao quát được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến bày tỏ sự nhất trí với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, về cơ bản các nội dung của 8 chính sách tại Nghị quyết 20-NQ/TƯ đã được thể chế hóa tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, các chính sách này còn chung chung, chưa được cụ thể. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan, nhất là phải bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư; đề nghị bổ sung nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ cụ thể, xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.
Về tổ hợp tác, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung làm rõ điều kiện để chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã như các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động…; điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên tổ hợp tác; việc đăng ký của tổ hợp tác để làm cơ sở cho công tác thống kê và quản lý nhà nước đối với tổ hợp tác.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đối chiếu với quy định pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của cơ quan thẩm tra cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, tiếp tục rà soát để thể chế hóa các chủ trương của Đảng để hoàn thiện các nội dung liên quan đến kinh tế tập thể phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, cần rà soát đánh giá các tác động cũng như tên gọi của dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất; các đối tượng, phạm vi điều chỉnh; bổ sung một số chức năng cũng như cơ chế vận hành của liên minh hợp tác xã cho phù hợp với thực tiễn…