Giám sát chặt phòng, chống cháy nổ tại quán karaoke

Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 22/09/2022

(HNM) - Thời gian qua, rất nhiều vụ hỏa hoạn tại các quán karaoke trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của người dân. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã mở đợt cao điểm kiểm tra 100% quán karaoke nhằm giám sát chặt chẽ an toàn công tác phòng cháy, chữa cháy. Ghi nhận cho thấy, bên cạnh việc nhiều quán karaoke chấp hành tốt quy định phòng, chống "giặc lửa" thì vẫn còn hàng trăm cơ sở bị xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động...

Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra hệ thống bảng “lối thoát” tại quán karaoke.

Cao điểm kiểm tra, giám sát

Từ ngày 12 đến 20-9 là khoảng thời gian cao điểm lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các quán karaoke trên địa bàn. Theo chân đoàn công tác của các quận, huyện, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận vẫn còn không ít vi phạm.

Ví như, tại quán karaoke số 408 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), ghế sofa bên trong phòng hát được kê chắn lối ra cầu thang thoát hiểm. Một số bảng "lối thoát hiểm" không được bật sáng hoặc đã hỏng. Vách tường trang trí có dây điện bị hở. Trong khi đó, một số nhân viên còn lóng ngóng khi sử dụng bình chữa cháy... Cách đó không xa, quán karaoke Night Club ở phố Trần Khát Chân cũng chưa an toàn về phòng, chống cháy nổ khi để cầu thang thoát hiểm thứ 2 vi phạm trật tự xây dựng.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ghi nhận tại quán karaoke số 243 phố Phúc Tân đêm 18-9 rạng sáng 19-9 cho thấy, có 2 phòng hát chưa đạt tiêu chuẩn đang chờ cấp phép nhưng vẫn hoạt động. Đoàn công tác yêu cầu chủ quán tạm dừng hoạt động và tháo dỡ các thiết bị. 

Bà Lê Kim Dung, chủ cơ sở karaoke 243 Phúc Tân cho biết: "Sau khi tổ công tác yêu cầu, chúng tôi đã đóng cửa, không hoạt động theo hướng dẫn của lực lượng chức năng". Còn quán karaoke tại số 245 Phúc Tân có 10 phòng hát thì 3 phòng đạt tiêu chuẩn, 7 phòng còn lại đóng cửa, chủ quán đã dán thông báo, dỡ hệ thống loa.

Theo thống kê, quận Hoàn Kiếm có 15 quán karaoke. Tính đến hết ngày 20-9 tổ công tác quận đã kiểm tra được 8 quán trên phố Phúc Tân với 46 phòng hoạt động, nhưng số phòng hát được cấp phép chỉ là 26 phòng. Trước đó, lực lượng chức năng của quận đã yêu cầu các cơ sở này tạm đóng cửa những phòng hát chưa được cấp phép, nhưng đến ngày 19-9 chỉ có 6 phòng tháo dỡ thiết bị, 40 phòng còn lại đã tháo dỡ nhưng chưa triệt để theo yêu cầu.

Tối 20-9, phóng viên đã trở lại khảo sát các quán karaoke trên phố Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) và một số quán trên địa bàn quận Cầu Giấy, Đống Đa... hầu hết đều dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Tổ công tác quận Hoàn Kiếm kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại một quán karaoke trên địa bàn.

Mạnh tay với vi phạm

Trước thực tế nêu trên, các địa phương cho biết sẽ mạnh tay xử lý. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn thông tin, quận yêu cầu các chủ cơ sở còn tồn tại vi phạm phải ký cam kết tháo dỡ loa, tăng âm, thiết bị cách âm... ra khỏi phòng hát để trở thành phòng sinh hoạt bình thường, hoàn thành chậm nhất trong ngày 26-9. Quận sẽ cử lực lượng giám sát việc thực hiện cam kết này. Sau đó, đoàn công tác sẽ tái kiểm tra các cơ sở trên, nếu tiếp tục vi phạm, sẽ rút giấy phép kinh doanh. "Trong tháng 9-2022, đoàn công tác của quận sẽ tiếp tục kiểm tra các quán karaoke còn lại trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh vi phạm nếu có" - ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết thêm.

Tương tự, Trung tá Nguyễn Hải Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hai Bà Trưng) cho biết, trong 10 ngày qua, tổ công tác quận đã phát hiện còn nhiều quán trong số 25 quán karaoke trên địa bàn chưa quan tâm đến việc phòng cháy, chữa cháy. Quận đã yêu cầu các phường tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng bình bọt cho nhân viên các quán karaoke trên địa bàn.

Còn với huyện Thanh Trì, Công an huyện cũng kiểm tra và đình chỉ 14 cơ sở karaoke. Với những quán karaoke tháo biển, hoạt động "chui", Công an huyện đã giao công an các xã phối hợp cùng quần chúng nhân dân tiếp tục giám sát chặt chẽ.

Theo Công an thành phố Hà Nội, trong số 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke thì có tới 58% cơ sở không đạt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, có 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện nên bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động để tự khắc phục vi phạm; 326 cơ sở không đạt yêu cầu, không có khả năng khắc phục nên bị đình chỉ hoạt động.

Về vấn đề này, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội yêu cầu lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tiếp tục tham mưu cho đơn vị ban hành các văn bản, tổ chức các hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các chuyên đề trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phù hợp với tình hình thực tế địa bàn và theo lĩnh vực quản lý. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khắc phục những tồn tại, yếu kém về phòng cháy, chữa cháy, nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động của các quán karaoke trên địa bàn thành phố.

Hiệp - Dung