Hà Nội mở rộng đầu ra cho nông sản an toàn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 15:27, 13/09/2022
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, hiện nay, phần lớn nông dân còn mơ hồ hoặc hiểu chưa đúng về chuỗi giá trị dẫn đến liên kết với tác nhân khác còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Thậm chí, nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh... Đây là những nguyên nhân khiến nông sản vẫn bí đầu ra trong thời gian qua.
Tham dự diễn đàn, anh Nguyễn Hữu Hợi (ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cho hay: "Gia đình tôi đang trồng nho Hạ đen theo quy trình VietGAP kết hợp du lịch trải nghiệm. Hiện, trung bình mỗi năm vườn nho cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 10, sản lượng khoảng 3,5-4 tấn/vụ. Tôi mong muốn được các cơ quan quản lý hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp đưa sản phẩm nho Hạ đen của gia đình vào kênh siêu thị bán lẻ, cửa hàng thực phẩm sạch của thành phố. Từ đó, giúp gia đình nâng cao thu nhập, có nguồn vốn quay vòng đầu tư mở rộng sản xuất".
Chia sẻ khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản, ông Đỗ Văn Huân (ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) cho biết, sản phẩm giá đỗ của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, gia đình đang cung cấp cho các bếp ăn trường học, bếp ăn công nghiệp với sản lượng 1 tấn/ngày. Dự kiến, trong năm 2023, ông Huân sẽ mở rộng quy mô sản xuất nên rất muốn tìm đối tác để ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm vào kênh siêu thị theo hướng bền vững, lâu dài.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, kênh bán lẻ hiện đại là những trung tâm thương mại và siêu thị đòi hỏi gắt gao tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, bảo hộ nhãn hiệu, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất, tiếp đến là quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Do đó, nông dân, hợp tác xã cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch khuyến cáo, nông dân cần liên kết chặt chẽ hơn bằng việc thành lập hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất và bắt tay với doanh nghiệp. Đặc biệt, nông dân nên làm tốt khâu sản xuất; còn các khâu sơ chế, đóng gói, thu mua lẻ, vận chuyển đến siêu thị nên để hợp tác xã, doanh nghiệp đảm nhận. Ngoài các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các cơ sở sản xuất cũng cần lưu ý đến kênh bếp ăn tập thể như trường học, khu công nghiệp...
Gợi mở về giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho rằng, nông dân cần lưu ý việc quy hoạch vùng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ được các tổ chức, cơ quan chức năng chứng nhận thì giá trị sản phẩm mới được nâng lên. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tin tưởng, sẵn sàng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với bà con.
Các chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, nông dân, hợp tác xã cần biết phân loại đối tượng người tiêu dùng theo phân khúc (nông thôn, thành thị...) và chủ động tìm hiểu thị trường; cần liên hệ với đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước để được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Trong khuôn khổ diễn đàn, hàng trăm đơn vị sản xuất đã được hỗ trợ tư vấn, giải đáp về đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn một cách hiệu quả nhất.