Đã giải cứu hơn 1.000 công dân bị lừa đảo, môi giới làm việc trái phép từ Campuchia

Đời sống - Ngày đăng : 16:53, 22/09/2022

(HNMO) - Chiều 22-9, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ, nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các vấn đề báo chí trong và ngoài nước quan tâm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Cập nhật tình hình bảo hộ công dân Việt Nam tại Campuchia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở Campuchia rất quan tâm và chú trọng tới công tác bảo hộ công dân trước tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động trái phép tại Campuchia.

Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo sát sao, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia cũng rất tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng Campuchia để thúc đẩy tăng cường rà soát, mở rộng hơn nữa điều tra, xác minh và giải cứu thêm công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới sang Campuchia làm việc bất hợp pháp. 

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng đã khẩn trương phối hợp rất hiệu quả với các cơ quan trong nước, như Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an và các địa phương có liên quan như Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh và tiếp nhận công dân Việt Nam về nước sau khi được giải cứu. Theo số liệu tổng hợp tới hết ngày 21-9 vừa qua, đã giải cứu được khoảng hơn 1.000 công dân, hỗ trợ làm thủ tục cho hàng nghìn công dân khác.

Về phía Campuchia, các cơ quan chức năng của Campuchia cũng rất tích cực trong việc hỗ trợ các cơ quan đại diện Việt Nam trong việc giải cứu và bảo hộ công dân. Từ đầu tháng 9-2022, Campuchia mở chiến dịch truy quét các tổ chức tội phạm ép buộc, giam giữ bất hợp pháp, số lượng công dân Việt Nam được các cơ quan đại diện cùng với phía Campuchia giải cứu đã lên đến khoảng 400 người”. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường công tác lãnh sự, bảo hộ công dân tại Campuchia, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.

Trước thông tin có một số ý kiến sai sự thật, thiếu khách quan của một số tổ chức về việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam. Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Việc này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật có liên quan. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. 

Mới đây nhất, tháng 3-2022, Việt Nam đã công bố báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III, thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch, sự nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung; tích cực thể hiện tinh thần hợp tác với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; đồng thời, cũng thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại song phương với một số nước, sẵn sàng cung cấp, trao đổi một số vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau”. 

Nguyễn Thúc