Nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính khả thi của dự án Luật Phòng thủ dân sự
Chính trị - Ngày đăng : 16:51, 22/09/2022
Trình bày tờ trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 71 điều. Dự án luật hướng tới tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Bên cạnh đó là tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường.
Theo dự thảo luật, cấp độ phòng thủ được xác định thành 4 cấp từ thấp đến cao. Dự thảo luật quy định thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng thủ dân sự, phân công trách nhiệm phòng thủ dân sự; các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3.
Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp (cấp độ 4) gồm các biện pháp phòng thủ dân sự áp dụng trong tình trạng khẩn cấp bảo đảm có giới hạn cụ thể, phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật. Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng chiến tranh quy định các biện pháp phòng thủ dân sự khi có chiến tranh, các biện pháp khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh gây ra.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Về nguồn lực, theo dự thảo luật, Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở hợp nhất Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch.
Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị, cần bám sát khái niệm “Phòng thủ dân sự” để thiết kế thêm một số nội dung cho phù hợp, thống nhất, bảo đảm cân đối giữa các nội dung lớn, giữa các chương, mục và nghiên cứu bổ sung, làm rõ thêm các quy định về phân công, quan hệ phối hợp...
Về Quỹ Phòng thủ dân sự, có ý kiến cho rằng, việc gộp 2 quỹ là không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và không phù hợp với thực tiễn, tính chất của 2 loại quỹ này là khác nhau; ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định mô hình Quỹ Phòng thủ dân sự là bắt buộc.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, khái niệm về các thảm họa, sự cố đã được quy định trong dự thảo luật đang chung chung, có sự trùng lặp. “Ví dụ thảm họa sự cố chiến tranh. Chiến tranh do con người gây ra, sẽ trùng với thảm họa, sự cố do thiên nhiên, do con người gây ra. Do đó, cần cố gắng nghiên cứu, cụ thể hóa hơn nữa và đối chiếu với các khái niệm đã có”, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đây là luật mới nên cần nghiên cứu phạm vi, cách thức điều chỉnh của dự luật này cho phù hợp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần có thiết chế, cơ cấu, tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành cho phòng thủ dân sự. Do đó, Ban soạn thảo nên tiếp tục làm rõ hơn sự cần thiết về tổ chức lại hay hợp nhất để thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và các tỉnh, thành phố. Trong đó, có các Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia Ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Điều này đòi hỏi cần nghiên cứu kỹ hơn, có những quyết định trong luật để bảo đảm tính khả thi, tránh chung chung dẫn đến khó triển khai.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn thẩm quyền ban bố cấp độ thảm họa, sự cố; làm rõ việc hợp nhất 3 Ban chỉ đạo, 2 Quỹ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh bảo đảm phù hợp...
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá dự thảo luật bảo đảm bước đầu để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư sắp tới.