Cần nhiều chính sách phát triển thuê bao Mobile Money
Kinh tế - Ngày đăng : 21:14, 23/09/2022
Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong số 2 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money thì có hơn 1,3 triệu là người dùng ở khu vực nông thôn, chiếm 68%. Đáng chú ý, số tài khoản có phát sinh ít nhất một giao dịch là hơn 1,8 triệu tài khoản, chiếm 93% tổng số khách hàng đăng ký; có 13 triệu giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money với tổng giá trị hơn 740 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng khách hàng Mobile Money trung bình 6 tháng đầu năm 2022 đạt 31%.
Nói về sự tăng trưởng thuê bao Mobile Money, theo đại diện các nhà mạng, đây là kết quả tích cực, khi khách hàng chỉ cần có số thuê bao di động mà không cần phải là điện thoại thông minh hay tài khoản ngân hàng là có thể dùng được Mobile Money. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình chợ công nghệ số (còn gọi là chợ 4.0) trong cả nước giúp người dân có thể sử dụng Mobile Money để trả tiền từ bó rau cho đến món đắt tiền hơn. Đáng chú ý, trong đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, Mobile Money trở thành giải pháp thanh toán trực tuyến phí xét tuyển nhanh chóng, an toàn, tiện lợi đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh.
Như vậy có thể thấy, việc thí điểm dịch vụ Mobile Money cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, theo đánh giá, tốc độ phát triển khách hàng mới có xu hướng giảm dần qua các tháng gần đây. Nếu như tháng 1-2022, ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 64%, thì tháng 7-2022, chỉ tăng 11%.
Nguyên nhân là giữa năm các doanh nghiệp không có nhiều chương trình truyền thông, khuyến mại so với thời điểm ra mắt dịch vụ vào dịp Tết Nguyên đán 2021. Ngoài ra, cũng theo đại diện các nhà mạng, việc phát triển dịch vụ này đang gặp một số khó khăn như, yêu cầu xác thực, định danh khách hàng Mobile Money rất chặt chẽ và nhiều bước xác thực. Việc chỉ cho phép hạn mức sử dụng là 10 triệu đồng/tháng, chưa được chuyển, nhận tiền từ các thuê bao Mobile Money của nhà mạng khác cũng là những yếu tố làm giảm tính hấp dẫn của dịch vụ. Thêm nữa, quy định điểm nạp, rút tiền Mobile Money phải đồng thời là điểm ủy quyền cung cấp dịch vụ viễn thông; nhà mạng phải có hợp đồng trực tiếp với điểm chấp nhận thanh toán là những khó khăn cho cung cấp dịch vụ.
Để tạo điều kiện cho Mobile Money phát triển sâu rộng hơn trong giai đoạn tới, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone (thuộc VNPT) đề xuất một số giải pháp, với thuê bao di động đã được chuẩn hóa thông tin khách hàng, có thể được đăng ký sử dụng Mobile Money ngay mà không cần định danh lại như hiện nay. Cùng với đó, cơ quan quản lý cho phép thí điểm chuyển tiền giữa thuê bao Mobile Money của các nhà mạng. Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ khác hỗ trợ, đồng hành với nhà mạng để phổ biến Mobile Money đến người dân. Cùng quan điểm, Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) kiến nghị, cần áp dụng thêm các chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, khi việc sửa đổi các quy định để tháo gỡ vướng mắc cần có đánh giá thêm và có biện pháp quản trị rủi ro cụ thể, trước mắt, trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp nên ưu tiên một số nội dung. Đó là, tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao số lượng điểm kinh doanh, đơn vị chấp nhận thanh toán để tăng tính hiện diện và khả năng tiếp cận khách hàng; tăng cường truyền thông, quảng bá về lợi ích của dịch vụ Mobile Money tới người dân. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành triển khai chi trả các khoản an sinh xã hội qua dịch vụ này. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu giải pháp kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chuẩn hóa thông tin thuê bao, đơn giản hóa quy trình đăng ký sử dụng Mobile Money…