Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động

Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 24/09/2022

(HNM) - Chỉ sơ suất nhỏ trong quá trình lao động, sản xuất có thể gây ra những vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động... đang được thành phố Hà Nội tập trung triển khai.

Người lao động cần được huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động.

Còn nhiều vi phạm...

Mới đây, vụ án “Vi phạm quy định về an toàn lao động” tại công trình xây dựng số 16A Nguyễn Công Trứ khiến 4 lao động thời vụ nhận dọn vệ sinh tử vong đã được Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đưa ra xét xử và tuyên các mức án từ 5 năm đến 6 năm 3 tháng với các đối tượng vi phạm. Bản án đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm tính răn đe. Tuy nhiên, sư mất mát đối với các gia đình nạn nhân sẽ mãi không nguôi.

Theo cáo trạng, khoảng 20h ngày 30-7-2020, để thực hiện đưa vách kính lên công trình xây dựng cao tầng, Nguyễn Nhật Lộc (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) đã liên hệ với Đường Văn Kiểm (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) và Phạm Văn Chiến (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) là nhân viên tại công trường xây dựng mượn giàn giáo treo để vận chuyển vật tư. Tuy nhiên, Kiểm và Chiến không trực tiếp điều khiển giàn giáo treo mà hướng dẫn nhóm người lao động thời vụ dọn vệ sinh điều khiển thiết bị này. Quá trình vận hành, giàn giáo treo đến tầng 7 thì gãy khiến vật tư cùng 4 người rơi xuống đất và tử vong.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, các bị cáo Lộc, Kiểm và Chiến đã vi phạm quy định về an toàn lao động, gây ra vụ tai nạn thương tâm như trên.

Trong khi đó, 2 vụ cháy gần đây nhất tại một quán karaoke ở quận Cầu Giấy và một kho xưởng chăn, ga tại huyện Thanh Oai, gây thiệt hại lớn về người và tài sản đều có nguyên nhân do bất cẩn của người lao động trong quá trình hàn xì, sửa chữa.

Và còn rất nhiều vi phạm an toàn lao động khi làm việc trên cao nhưng không đeo dây bảo hiểm, không có chứng chỉ điều khiển máy móc chuyên dụng, thiếu thiết bị phòng cháy, chữa cháy… đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, nhưng đâu đó vẫn tồn tại vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Điều đáng nói, nhiều lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm nhưng lại chưa được đào tạo qua trường lớp...

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nhờ cơ chế xã hội hóa trong các hoạt động huấn luyện, số người được thông tin, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tăng hằng năm. Đến nay, có khoảng 400 tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động góp phần đáng kể vào việc truyền tải các thông tin, kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, phạm vi thông tin tuyên truyền vẫn còn hạn chế, nhất là nhóm lao động không có hợp đồng lao động, lao động thời vụ tại các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Quận Hai Bà Trưng ra quân tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động. Ảnh: Duy Tuân

Nâng ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật

Để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra, công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, an toàn phòng cháy, chữa cháy... cần được tăng cường.

Theo Trưởng ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng, các doanh nghiệp phải chủ động phòng ngừa các nguy cơ rủi ro để giảm thiểu tai nạn lao động. Trong đó phải tăng cường công tác tập huấn an toàn cho người lao động, tăng cường kiểm tra, giám sát các lỗi vi phạm quy chuẩn an toàn lao động. “Các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm nắm bắt việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động đối với người lao động”, ông Tạ Văn Dưỡng nhấn mạnh.

Còn Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thường Tín Uông Đình Hưng chia sẻ, thời gian tới Phòng sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tập huấn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, nhất là đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ.

Về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm khuyến cáo, việc sửa chữa những công trình nhỏ lẻ, dân sinh hay quán karaoke… thường là giao kết dân sự giữa các bên, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, người quản lý lao động, thợ hàn và chủ nhà cần đề cao cảnh giác, chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy. Lực lượng công an, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn địa phương cũng đã yêu cầu nhân viên, chủ nhà hàng, quán karaoke thao tác sử dụng bình cứu hỏa, các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố...

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nêu quan điểm, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn, vệ sinh lao động không chỉ tập trung tổ chức trong tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động mà phải phát động thường xuyên liên tục trong cả năm. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành, người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động...

Nhóm phóng viên