Sớm hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Đời sống - Ngày đăng : 07:35, 26/09/2022
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến thời điểm cuối tháng 8-2022, cả nước có hơn 13,95 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 2,04 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng 17,14%. Đáng chú ý, người lao động tham gia chính sách này được quan tâm hưởng nhiều quyền lợi (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm…).
Chỉ tính riêng năm 2021, cả nước có gần 1,8 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó tỷ lệ giới thiệu việc làm thành công đạt khoảng 35%; hơn 800.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đã nhận được nguồn hỗ trợ đúng thời gian quy định. Với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị ảnh hưởng về việc làm do dịch Covid-19, họ được tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ, trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: “Từ cuối năm 2021 đến nay, bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố đã chi hỗ trợ an sinh cho hơn 13 triệu người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 32.000 tỷ đồng. Đó là minh chứng rõ nhất để thấy chính sách bảo hiểm thất nghiệp giữ vai trò phao cứu sinh của người lao động khi không may họ bị ảnh hưởng về việc làm”.
Vai trò, ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm thất nghiệp là không thể phủ nhận, nhưng chính sách này chưa thực sự hấp dẫn. Dưới góc độ xây dựng chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp hiện chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp. Điều đáng quan tâm, chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề… Điều này lý giải vì sao, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hiện mới đạt hơn 28% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Để bảo hiểm thất nghiệp tăng hấp dẫn, mở rộng đến nhiều nhóm đối tượng người lao động, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp theo hướng gắn với bảo đảm việc làm bền vững. Chẳng hạn, đối tượng người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm toàn bộ người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên). Điều kiện để người sử dụng lao động được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động mở rộng, bao gồm người sử dụng lao động gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (hiện nay chỉ áp dụng cho trường hợp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế). Đối tượng được hỗ trợ học nghề, thời gian, hình thức đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo dành cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị mất việc làm cũng được đề xuất mở rộng, tăng lên so với quy định hiện hành...
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chuyên gia về an sinh xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, những đề xuất trên là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, góp phần tạo hành lang pháp lý linh hoạt, phù hợp để các bên liên quan đưa chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi sâu vào đời sống, phát huy hiệu quả tích cực.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Tạ Văn Thảo, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ có vai trò là “phao cứu sinh” của người lao động khi họ gặp khó khăn, mà còn là “công cụ” quản trị thị trường lao động. Do đó, việc xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn liền, đồng bộ với giải pháp bảo đảm việc làm bền vững đang là yêu cầu bức thiết, cấp bách.
Về phía người lao động, anh Trần Văn Tám, trú tại tổ dân phố 15, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Khi đa số người lao động được tạo điều kiện tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tôi tin họ sẽ yên tâm gắn bó với công việc đang làm”.
Hy vọng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sớm được hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động.