Người lao động Quảng Nam và Đà Nẵng nghỉ việc tránh bão từ 12h ngày 27-9
Đời sống - Ngày đăng : 10:09, 27/09/2022
Sáng 27-9, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành thông báo yêu cầu người dân thành phố tuyệt đối không ra khỏi nhà hoặc nơi tránh trú từ 20h ngày 27-9 cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng cũng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố được nghỉ làm từ chiều 27-9 để phòng chống bão tại nhà và nơi làm việc theo phân công. Các chợ trên địa bàn cũng tạm ngưng hoạt động.
Còn tại Quảng Nam, sáng 27-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành văn bản khẩn, yêu cầu đóng cửa tất cả các chợ dân sinh trên địa bàn từ 12h ngày 27-9 cho đến khi có thông báo mới. Ban Quản lý Chợ Hội An và các nơi thấp trũng phải có lực lượng ứng trực phòng ngừa nước dâng, có phương án bảo vệ tài sản, hàng hóa của bà con tiểu thương lưu giữ tại chợ.
Trên quy mô toàn tỉnh, sáng 27-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký ban hành văn bản cho cán bộ, công chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước của tỉnh nghỉ làm từ 12h ngày 27-9 (trừ các lực lượng phòng, chống lụt bão).
Cũng theo văn bản này, các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân trên địa bàn cho người lao động được nghỉ làm từ 12h ngày 27-9 đến hết ngày 28-9 để đảm bảo an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà và nơi tránh trú bão từ 18h ngày 27-9 cho đến khi có thông báo mới.
* Ngày 27-9, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đoàn công tác của EVN đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4 tại một số đơn vị ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, nơi được nhận định là nằm trong tâm bão đổ bộ sáng 28-9.
Tại Trạm biến áp 220kV Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng), lãnh đạo EVN yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Công ty Truyền tải điện 2 tăng cường kiểm tra để phát hiện sớm khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện 220-500kV và có phương án xử lý kịp thời; đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng, cần có phương án trực vận hành và phòng, chống phù hợp, bảo đảm vận hành an toàn, liên tục. Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực.
Kiểm tra tại một số địa điểm của Công ty Điện lực Quảng Nam quản lý, lãnh đạo EVN yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Trung cần tiếp tục chỉ đạo củng cố lưới điện, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố; đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng cần có phương án trực vận hành và phòng, chống phù hợp để bảo đảm an toàn, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.
Đặc biệt, nếu thiên tai gây sự cố mất điện, cần nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, khôi phục điện trong thời gian nhanh nhất, bảo đảm an toàn cho các khách hàng đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
* Thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung) cho biết, những ngày qua, các điện lực đã phối hợp với công ty cây xanh tiếp tục phát quang hành lang tuyến để tránh cây gẫy, đổ vào đường dây, trạm biến áp. Công ty đã chuẩn bị máy phát dự phòng phục vụ hệ thống cấp nguồn tại Trung tâm Điều khiển hệ thống điện Đà Nẵng.
Riêng tại các đơn vị trực thuộc, đã chuẩn bị 8 máy biến áp lưu động và 44 máy phát các loại có công suất từ 3kVA đến 500kVA, bố trí sẵn sàng 74 phương tiện cẩu tải, xe gàu để nhanh chóng điều động xử lý sự cố.
Đồng thời, công ty đã huy động trên 400 cán bộ, nhân viên sẵn sàng xử lý sự cố do bão; chuẩn bị các vật tư thiết bị dự phòng khác.
Hiện nay, công ty đang theo dõi chặt chẽ diễn biến, đường đi của bão, tình hình mưa lớn, ngập lụt để chủ động cắt điện các đường dây trung áp và các trạm biến áp phụ tải, bảo đảm an toàn cho nhân dân và hạn chế thấp nhất hư hỏng lưới điện do bão, lụt gây ra.