Xây dựng chính sách hỗ trợ ''tam nông'' Thủ đô đồng bộ, vượt trội
Chính trị - Ngày đăng : 08:31, 27/09/2022
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội đến 18 điểm cầu tại 18 huyện, thị xã và 406 điểm cầu tại 406 xã, phường, thị trấn.
Dự buổi đối thoại có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các huyện, thị xã.
Tham dự đối thoại có đại biểu Hội Nông dân các cấp thành phố; đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; các nhà khoa học và hơn 12.000 hội viên đại diện cho 472.000 hội viên Hội Nông dân các cấp thành phố.
Mạnh dạn đề xuất giải pháp
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”, Thành ủy Hà Nội luôn xác định, tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân là giải pháp căn cơ, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của địa phương, ủng hộ và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.
Theo Bí thư Thành ủy, tại hội nghị đối thoại, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà bà con nông dân Hà Nội quan tâm, đề xuất, mong muốn được trao đổi, nhất là những đề xuất về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách “tam nông”, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.
“Để cuộc đối thoại hiệu quả; đề nghị các đại biểu nêu ý kiến thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể với lãnh đạo thành phố: Xem các cơ chế, chính sách của Trung ương, của thành phố đã đúng và trúng, đáp ứng nhu cầu của bà con và phù hợp với tình hình thực tiễn chưa? Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì? Mạnh dạn đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân...”, đồng chí đề nghị.
Tiếp tục nghiên cứu để hỗ trợ “tam nông” thực chất, hiệu quả
Báo cáo tổng hợp kiến nghị của nông dân Thủ đô, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phạm Hải Hoa cho biết, có 91 ý kiến, kiến nghị theo 6 nhóm vấn đề đã được gửi tới cuộc đối thoại.
Tiếp theo, cuộc đối thoại diễn ra với phần hỏi đáp sôi nổi. 10 đại biểu là nông dân, chủ trang trại, cán bộ Hội Nông dân cơ sở đã nêu các câu hỏi với lãnh đạo thành phố. Dưới sự điều hành của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, các đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo các sở, ngành đã trao đổi, giải đáp từng kiến nghị.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Xuân Huy (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) đề nghị chính quyền địa phương và cấp có thẩm quyền là cầu nối trung gian, hỗ trợ về thủ tục pháp lý giữa người đầu tư và người có đất để tích tụ ruộng đất yên tâm triển khai dự án đầu tư.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, vừa qua, một số nơi trên cả nước, chính quyền địa phương đứng ra thuê đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại làm dự án. Sau khi thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định làm như vậy là sai, phải thực hiện theo đúng quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 73 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, Nhà nước khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh. Chính quyền có thể tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện chính sách này.
Ông Nguyễn Văn Thanh (Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) đề nghị thành phố nghiên cứu vận dụng cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho phép UBND cấp xã ký hợp đồng với các trang trại thực hiện quyền sử dụng đất dài hơn 5 năm đối với đất công ích vì hiện nay chỉ được thuê 5 năm, thời gian quá ngắn không đủ để đầu tư lớn và lâu dài.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường cho biết, đất công ích 5% hình thành do các địa phương trích lại 5% tổng diện tích đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công ích. Trong thời gian chưa sử dụng công ích thì UBND cấp xã được tổ chức đấu giá cho thuê 5 năm với mục đích nông nghiệp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được sử dụng để trồng cây, nuôi trồng thủy sản. Với đề nghị của bà con được kéo dài thời hạn sau 5 năm, thực tế theo quy định của Luật thì chưa cho phép.
Trả lời về những khó khăn trong tiêu thụ nông sản ngay cả khi là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm) của ông Chu Xuân Cừ (Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì), Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, dư địa tiêu thụ sản phẩm của nông dân Hà Nội ở ngay thị trường thành phố còn rất lớn. Nhưng bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, rất cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp, trong đó, tập trung đầu tư quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá... Quyền Giám đốc Sở Công Thương cũng lưu ý, cần tuân thủ quy hoạch sản xuất. Ví dụ: Sở Công Thương đã lưu ý nguồn cung quả có múi đã vượt cầu, nhưng nhiều địa phương vẫn không ngừng mở rộng vùng trồng. “Trước đây, quả bưởi bán 40-50 nghìn đồng, nay chỉ còn bán được 20 nghìn đồng vì như vậy”, đồng chí Trần Thị Phương Lan nói.
Giải đáp các kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, sau hội nghị, bám sát kết luận của Bí thư Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện các nội dung để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô hiện đại, đặc thù, có bản sắc riêng. Trước mắt, UBND thành phố đang tiếp thu, đưa vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sắp tới một điều khoản về cơ chế chính sách đặc thù phát triển nông nghiệp, cùng với công tác điều chỉnh quy hoạch sẽ làm cơ sở để định hướng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới.
Làm rõ thêm về các chính sách hỗ trợ “tam nông”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, những năm qua, HĐND thành phố đã cùng với UBND thành phố nghiên cứu, xây dựng và ban hành 6 nghị quyết hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tuy nhiên, người nông dân được trực tiếp hưởng thụ chính sách chưa lớn. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã giải ngân khoảng 1.700 tỷ đồng cho các cơ chế chính sách này, nhưng chủ yếu giải ngân cho công tác dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương. Thời gian tới, HĐND thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với UBND thành phố rà soát lại các chính sách để hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao hỗ trợ cho “tam nông” một cách thực chất, trực tiếp và hiệu quả.
Xây dựng nông thôn Thủ đô khang trang, giàu đẹp, văn minh hơn
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, tiếp thu và cảm ơn các ý kiến đóng góp xây dựng Thủ đô rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đặc biệt hoan nghênh, đánh giá cao những kiến nghị với thành phố những giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng chí khẳng định, cuộc đối thoại đã đạt yêu cầu đề ra và có tính xây dựng cao.
Thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm quan trọng của các cấp Hội Nông dân từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Hội Nông dân thành phố chủ động xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023-2025” để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện để giúp cho phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và thành phố trở thành những nông dân chuyên nghiệp, là những hạt nhân dẫn dắt cho phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn...
Bí thư Thành ủy chỉ rõ, đích đến cuối cùng và quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” là nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
“Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi kêu gọi nông dân Thủ đô, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục phát huy đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, để cùng nhau xây dựng nông thôn Thủ đô khang trang hơn, giàu đẹp hơn, văn minh hơn và hướng tới các tiêu chí đô thị. Qua các đại biểu dự hội nghị hôm nay, lan tỏa tinh thần này tới toàn thể nhân dân. Đồng thời, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương lớn của Trung ương và thành phố”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Về những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nông dân, Bí thư Thành ủy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị... Văn phòng Thành ủy có nhiệm vụ ban hành Thông báo kết luận hội nghị, giao cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan trả lời và thực hiện các kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp; kiểm tra, đôn đốc việc trả lời, giải quyết của các sở, ngành, các cơ quan liên quan đối với kiến nghị, đề xuất.
Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu hội viên nông dân và trả lời, giải đáp của các đơn vị, Bí thư Thành ủy đề nghị, UBND, HĐND và các đơn vị liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, quan tâm, tạo điều kiện tiếp sức, hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
“Không có đột phá về chính sách thì khó thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Do đó, chúng ta phải xác định mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ “tam nông” đồng bộ và vượt trội, “ra tấm ra món”, gắn với vùng sản xuất và có định hướng cụ thể từ thành phố xuống cơ sở”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
* Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trao Bằng khen, Cúp vinh danh 18 nông dân tiêu biểu Thủ đô năm 2022.