Sắp xếp các đơn vị hành chính: Cần phù hợp với thực tiễn

Đời sống - Ngày đăng : 06:24, 28/09/2022

(HNM) - Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập. Để hóa giải vấn đề này, cần sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn.

Cán bộ UBND và Công an phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) kiểm tra một cửa hàng kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Tiến Thành

Tiêu chuẩn gây khó cho đơn vị hành chính

Giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó cả nước đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận một số khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân. Trước hết là tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (Nghị quyết 1211) về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính được quy định tương đối cao, chưa thực sự phù hợp với thực tế của một số địa bàn, dẫn đến số lượng đơn vị hành chính cần sắp xếp ở một số địa phương quá lớn, khó có thể thực hiện cùng lúc.

Thực tế tại Hà Nội, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, giai đoạn 2019-2021 thành phố đã sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 5 đơn vị hành chính. Hiện có 5 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết số 1211. Tuy nhiên, Hà Nội chưa thể thực hiện sắp xếp 5 đơn vị này bởi tiêu chuẩn của Nghị quyết số 1211 quá cao so với thực tế.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận, ở Hà Nội và những đô thị lớn khi sáp nhập đơn vị hành chính thì số lượng hộ dân, địa bàn lớn hơn rất nhiều. “Với cách thức vận hành như cũ, tức là giao nhiệm vụ cho cán bộ không chuyên trách và cách tổ chức công việc như cũ thì chắc chắn hiệu quả quản lý giảm đi. Cần xem lại vấn đề cách thức vận hành của các tổ dân phố, của đội ngũ cán bộ không chuyên trách”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Số lượng cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn loại 1 tối đa theo quy định của Chính phủ là 23 người. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh chia sẻ, với một phường có gần 100.000 dân như Hoàng Liệt (tương đương dân số trung bình 5 phường) thì áp lực công việc với đội ngũ cán bộ, công chức phường là quá lớn.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định

Nhìn nhận thực tế này, trên cơ sở tờ trình của Chính phủ và kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211. Trong đó, giảm tiêu chuẩn quy mô dân số và tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện (đạt từ 50% trở lên) đối với thành phố trực thuộc Trung ương so với quy định trước khi sửa đổi, bổ sung.

Tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung như đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định, điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể chưa thực sự phù hợp nhằm bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, giai đoạn 2022-2030, Chính phủ cũng nghiên cứu, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật khác có liên quan để tạo thuận lợi cho các địa phương trong sắp xếp đơn vị hành chính.

Đối với Nghị định số 34/ 2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, sau khi ban hành, nhiều địa phương, đặc biệt các ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội cũng đề cập về quy định phát sinh rất nhiều bất hợp lý.

“Ví dụ, một phường loại 1 khoảng hơn 100.000 dân mà chỉ có 23 cán bộ, công chức; đơn vị loại 2 là 21; đơn vị loại 3 là 19, tức là chênh nhau không đáng kể. Khó khăn trong quản lý trên địa bàn đã rõ, trong khi xu hướng đang tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là sáp nhập vào. Đặc biệt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị không tổ chức HĐND cấp phường và quận lại càng gặp nhiều khó khăn trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh và cho biết, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để xem xét và sửa đổi toàn diện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.

Sửa đổi, bổ sung quy định mới bảo đảm phù hợp với thực tiễn sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách. Ngoài ra, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.

Mai Hữu