Bàn giải pháp khắc phục hậu quả nặng nề do hỏa hoạn
Đời sống - Ngày đăng : 20:37, 28/09/2022
Để khắc phục những nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội có tốc độ đô thị hóa mạnh, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã đề xuất 4 giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân và thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của Trung ương và thành phố.
9 tháng, thiệt hại 18,1 tỷ đồng do hỏa hoạn
Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố cho thấy, 9 tháng của năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 288 vụ cháy làm 20 người chết, 16 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 18,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ (9 tháng năm 2021) thiệt hại do hỏa hoạn đã tăng cả về số vụ cháy và người thiệt mạng. Trong đó, khu vực nội thành xảy ra 168 vụ cháy, chiếm 58,3% số vụ cháy; ngoại thành xảy ra 120 vụ, chiếm 41,7%.
Phân tích về nguyên nhân gia tăng các vụ cháy, nổ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, địa bàn Hà Nội tập trung nhiều trụ sở làm việc, nhiều khu, cụm công nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất… Thêm vào đó, mật độ dân số Hà Nội rất đông, số lượng cơ sở luôn đứng đầu cả nước, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ cũng khiến nhu cầu sử dụng điện cao tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ...
Ngoài ra, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại đã tăng tối đa công suất, thời gian hoạt động. Trong khi đó, tình trạng đặt mục tiêu hiệu quả sản xuất và lợi ích kinh tế lên trên hết mà không quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn PCCC vẫn tồn tại, từ đó kéo theo nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ.
Trong khi đó, lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và chuyên ngành, việc quan tâm đầu tư lại chưa đáp ứng yêu cầu về con người và trang bị phương tiện dẫn đến năng lực PCCC tại chỗ còn yếu, công tác tổ chức chữa cháy ban đầu vẫn còn kém hiệu quả. Hạ tầng giao thông, nguồn nước trên thực tế lại còn nhiều hạn chế, bán kính hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn còn xa.
Đáng chú ý, một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC hay thực hiện giám sát quyết định đình chỉ hoạt động theo thẩm quyền mà còn có tư tưởng “thoái thác” cho lực lượng Công an…
Đồng chí Nguyễn Hải Trung cũng nêu một thống kê đáng chú ý, đó là nguyên nhân xảy ra cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện trong những năm qua luôn chiếm tỷ lệ cao, từ 65 - 75% trên tổng số vụ, nhưng hiện nay, công tác quản lý về an toàn điện sau công tơ vẫn đang bỏ trống.
Thêm vào đó, các vụ cháy thường xảy ra ở nhiều cơ sở có sai phạm về trật tự xây dựng, song chính quyền địa phương lại xử lý chưa triệt để. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm quy định về PCCC không thể khắc phục được; tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với cơ sở kinh doanh karaoke, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, các lực lượng chức năng đã tổng kiểm tra, rà soát đối với 100% cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố.
“Đến thời điểm hiện tại, Công an thành phố đã tổ chức kiểm tra 100% cơ sở, xử phạt 291 trường hợp, phạt tiền 2.773.550.000 đồng, thu hồi 19 giấy phép kinh doanh karaoke. Lực lượng chức năng đã đình chỉ 336 cơ sở, tạm đình chỉ 176 cơ sở, 428 cơ sở đã kiến nghị, yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục các nội dung tồn tại”, đồng chí Nguyễn Hải Trung cho biết.
4 giải pháp trọng tâm để hạn chế thiệt hại do hỏa hoạn
Nêu ý kiến về công tác PCCC chiều 28-9, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, Thường Tín có nhiều làng nghề, cụm công nghiệp với nhiều loại hình sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao. Nổi bật là làng nghề tại xã Tiền Phong chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm và làng nghề tại xã Duyên Thái, chuyên sản xuất vàng mã, sơn mài.
Tuy nhiên, nhận thức về công tác PCCC của người dân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, còn tồn tại tâm lý chủ quan, ỷ lại cho rằng, công tác PCCC là của công an và cơ quan quản lý nhà nước.
Chính vì vậy, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, công tác quản lý, nhưng trong 9 tháng của năm 2022, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 8 vụ cháy, tuy nhiên, đã được phát hiện kịp thời, nhanh chóng xử lý nên gây thiệt hại ít, đặc biệt là không có thiệt hại về người.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cũng cho biết, 9 tháng của năm 2022, trên địa bàn quận nhận được 100 tin báo và vụ việc liên quan đến cháy, nổ trong đó có 1 vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn; 13 vụ cháy trung bình khiến 3 người chết và 3 người bị thương. Thiệt hại về tài sản lên tới gần 3 tỷ đồng. Đáng chú ý, nguyên nhân gây cháy do chập điện chiếm 68-70%.
Tại quận Cầu Giấy, hiện có tới 206 nhà cao tầng và 354 cơ sở kinh doanh có điều kiện sau rà soát được đánh giá là những loại hình có nguy cơ cháy nổ cao…
Tại hội nghị giao ban trực tuyến chiều 28-9, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã đề xuất 4 nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn.
Trong đó, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng, chống cháy nổ, UBND thành phố đang thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành từ nay đến ngày 31-12-2022, nhằm tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, tập trung đông người như karaoke, chợ, trung tâm thương mại, khu chung cư, nhà cao tầng… và trước mắt là tiến hành kiểm tra tại địa bàn quận Cầu Giấy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Song hành với đó, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá về nhận thức, ý thức của người dân trong công tác PCCC…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chiều 28-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các cấp, ngành cần chủ động thực hiện 4 phương châm trong PCCC tại chỗ, gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ; xây dựng, duy trì và bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chủ động phòng ngừa và chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức, pháp luật về PCCC, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các ngành chức năng sớm tham mưu với thành phố xây dựng các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng, kỹ thuật; bảo đảm đúng quy chuẩn an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ... tại nhà dân và những cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, đầu tư, trang bị phương tiện chữa cháy, đặc biệt là cho lực lượng Cảnh sát PCCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.