Khát vọng cống hiến, sáng tạo, xây dựng lớp thanh niên thời đại mới

Đời sống - Ngày đăng : 14:49, 29/09/2022

(HNMO) - Ngày 29-9, tham luận tại Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022-2027, các đại biểu đã bày tỏ khát vọng cống hiến cũng như thể hiện ý chí và quyết tâm được đem tài năng, sức trẻ đóng góp vào các hoạt động xung kích, tình nguyện. Qua đó, góp phần xây dựng lớp thanh niên thời đại mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Đại úy Hoàng Thị Mai Hương (Đoàn Thanh niên Công an thành phố Hà Nội).

Đại úy Hoàng Thị Mai Hương (Đoàn Thanh niên Công an thành phố Hà Nội): 
“Sắc” về thông tin, “vững” về kiến thức

Thủ đô Hà Nội của chúng ta là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ truy cập internet, sử dụng Facebook và những mạng xã hội khác. Hà Nội cũng là địa bàn hoạt động trọng điểm của các loại tội phạm mạng.

Bên cạnh việc mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội, thì môi trường mạng cũng đem đến những nguy cơ, thách thức vô cùng lớn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống, đạo đức, tư tưởng, lối sống, vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự. Các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng sức mạnh mạng xã hội như một công cụ đắc lực để tung những thông tin bịa đặt, hoặc sử dụng thông tin về các sự kiện có thật, nhưng được biên tập sửa chữa và thêm thắt các tình tiết ngụy tạo, bóp méo rồi tung ra như một dạng thông tin chính thống với dụng ý xấu.

So với yêu cầu thực tiễn hiện nay, vai trò của tổ chức Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong việc định hướng, nhận biết, xử lý thông tin trên không gian mạng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong định hướng, nhận biết, xử lý thông tin trên không gian mạng ngày càng đòi hỏi phải được quan tâm, đầu tư hơn nữa để góp phần giữ vững an ninh, trật tự và sự phát triển bền vững của thành phố. 

Trước thời cơ, vận hội mới, tuổi trẻ Thủ đô hãy cùng nhau học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, từ đó ngày càng trưởng thành hơn trong nhận thức và hành động để mỗi đoàn viên, thanh niên là một “chiến binh” “sắc” về thông tin, “vững” về kiến thức, tích cực tham gia phản bác lại các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch dưới góc nhìn của thanh niên…

Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Phạm Lê Ngọc Hiếu: 
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trẻ

Thành phố Hà Nội tự hào là vùng đất ngàn năm văn hiến. Trong thành phố còn có rất nhiều làng cổ, đình, chùa, am miếu cổ kính, gắn với những huyền tích. Cùng với đó là những nét đẹp từ những con đường lãng mạn, thơ mộng đan xen những công trình kiến trúc hiện đại; những không gian trải nghiệm đầy sáng tạo và thu hút. Những tích truyện thần kỳ, sự gần gũi, bình dị... đã tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa Hà Nội.

Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) Phạm Lê Ngọc Hiếu tham luận tại đại hội.

Là một người trẻ, nhận thấy những thế mạnh của thanh niên, cũng như mong muốn thanh niên phát huy được vai trò của mình trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tham gia xây dựng nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô, tôi xin có một số đề xuất như sau: 

Cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trẻ. Theo đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển mạnh nguồn nhân lực là thanh niên đang hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa; cần phát triển những hệ sinh thái công nghiệp văn hóa truyền thống. Ở đó, chúng ta có thể gia tăng sự sáng tạo; liên kết với những đơn vị, tổ chức văn hóa truyền thống, địa phương, đơn vị kinh doanh, các nhà đầu tư.

Có một điều chắc chắn rằng, thanh niên phải trở thành lực lượng xung kích để xây dựng nền tảng dữ liệu và truyền thông. Bởi tôi tin, với con mắt của những người trẻ, họ biết những người trẻ khác cần gì và sẽ truyền thông những gì cho phù hợp với thị hiếu và mong muốn của du khách…

Nguyễn Hà Linh (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phát triển kỹ năng thanh niên quận Ba Đình) và Bùi Xuân Quang Khánh (Chi đoàn 12A2, Trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình):
Định hướng nghề nghiệp và kỹ năng hội nhập cho thanh niên

Hơn 400.000 là con số sinh viên tốt nghiệp đại học hằng năm. Tuy nhiên, trong số đó chỉ 200.000 người có thể tìm được việc làm và 60% sau khi ra trường chấp nhận làm trái ngành nghề được đào tạo.

Đoàn viên, thanh niên tham luận tại đại hội.

Nguồn căn của vấn đề này là việc chọn ngành, chọn nghề theo học của rất nhiều người hiện nay còn chưa thực sự đúng đắn. Có những bạn chọn ngành học theo mong muốn, áp đặt của bố mẹ và người thân để theo “nghề truyền thống” của gia đình nhằm “chắc ăn” có việc làm khi ra trường. Có những bạn chọn ngành học theo phong trào vì “nhãn mác” ngành “hot” hoặc thậm chí là đua theo bè bạn để chọn ngành học mà không nghĩ đến nhu cầu xã hội hay những điều kiện cá nhân như năng lực, sở thích, tính cách...

Trong nhiệm kỳ 2022-2027, chúng tôi rất kỳ vọng tổ chức Đoàn Thanh niên từ cấp thành phố tới cơ sở sẽ tiếp tục có nhiều hướng đi mới trong công tác định hướng nghề nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập cho thanh, thiếu nhi.

Tổ chức Đoàn cần đặc biệt quan tâm các vấn đề: Phối hợp với các ban, ngành tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp hữu ích, mang lại hiệu quả cao hơn nữa, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh, thiếu nhi; chú trọng đến việc định hướng, giáo dục nghề nghiệp sớm cho học sinh từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, chứ không chờ đến khi vào cấp trung học phổ thông mới có định hướng nghề.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cần có sự tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh cũng như xã hội trong việc lựa chọn ngành nghề, khắc phục những định kiến nghề nghiệp và tình trạng “thừa thầy thiếu thợ" như hiện nay…

Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Trần Việt An: 
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Đoàn

Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nơi tôi đang làm việc, hiện có khoảng 25.000 đoàn viên đang sinh hoạt với rất nhiều hoạt động ở các lĩnh vực và quy mô khác nhau. Việc quản lý các hoạt động, đánh giá xếp loại, cũng như thu hút đoàn viên tham dự các sự kiện là thách thức không nhỏ. Nhiều tổ chức Đoàn cũng gặp phải những khó khăn tương tự.

Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Trần Việt An.

Xuất phát từ thực trạng đó, Đoàn Thanh niên nhà trường đã ứng dụng mô hình “App Youth NEU” trong việc quản trị đoàn viên, qua đó có thể đánh giá, xếp loại hoạt động Đoàn của sinh viên thông qua hệ thống điểm Đoàn, có tiêu chí rõ ràng.

Thông qua ứng dụng, tỷ lệ sinh viên đăng ký tham dự sự kiện đã tăng rõ rệt. Các bạn sinh viên có thể tích lũy điểm Đoàn để được đánh giá, xét xếp loại, khen thưởng năm học. Bên cạnh đó, Đoàn trường có thể nắm bắt được có bao nhiêu đoàn viên tham gia chương trình, cụ thể là những sinh viên nào, trong năm học có bao nhiêu sự kiện… Công tác quản lý đoàn viên cũng trở nên đơn giản và linh hoạt hơn rất nhiều

Số hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ đẩy mạnh trong những năm trở lại đây. Không nằm ngoài xu thế đó, được sự ủng hộ và khuyến khích của Thành đoàn Hà Nội, với mục tiêu giảm thiểu công sức và số lần đoàn viên phải tới văn phòng Đoàn để thực hiện các thủ tục hành chính, chúng tôi đang không ngừng số hóa các công tác về: Đoàn vụ, Đảng vụ (phát triển Đảng), lưu trữ thông tin.

Hiện nay, Trung ương Đoàn đã phát triển ứng dụng “Thanh niên Việt Nam” với nhiều tính năng bổ ích cho đoàn viên. Do vậy, nếu các cơ sở Đoàn cấp trên có thể hỗ trợ phát triển tính năng phù hợp, cho phép các cơ sở Đoàn được phân cấp quản trị, qua đó có thể quản lý và đánh giá hiệu quả hoạt động Đoàn của tổ chức, cá nhân. Đoàn cấp trên cũng cần tổ chức các khóa tập huấn về năng lực số cho cán bộ Đoàn; chuẩn hóa và lưu trữ dữ liệu tập trung; chia sẻ về kinh nghiệm giữa các đơn vị trong và ngoài tổ chức để hoạt động Đoàn đạt hiệu quả cao...

Nguyệt Ánh