Bảy lưu ý bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Kinh tế - Ngày đăng : 19:57, 30/09/2022
Các nội dung yêu cầu của Trưởng ban Chỉ đạo cụ thể như sau:
Thứ nhất,cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, nơi có dự án đi qua cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhất là quán triệt sâu sắc sự cần thiết, cấp bách của việc sớm giải phóng mặt bằng đầu tư dự án, làm cơ sở để các địa phương công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân có đất bị ảnh hưởng biết, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thứ hai,tạo môi trường, điều kiện, động lực và phương thức đánh giá để khuyến khích thi đua giữa các tỉnh, thành phố; giữa các quận, huyện, thành phố trong từng tỉnh, thành phố; giữa tập thể với tập thể; giữa cá nhân với cá nhân trong quá trình triển khai các công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh thi đua trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy trình, thủ tục đảm bảo rút ngắn thời gian giải quyết của các phòng, ban chuyên môn của mỗi địa phương nhằm chuẩn hóa, quy trình hóa, cụ thể hóa, chuyên nghiệp mọi hoạt động của tổ công tác, hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của từng địa phương.
Trên cơ sở giao ước thi đua ngày hôm nay, các quận, huyện, xã, phường thuộc Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh cần chủ động xây dựng, tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị - xã hội của từng địa phương, cá nhân gắn với thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, gắn với công tác xác định nguồn gốc đất, kiểm kê tài sản trên đất, lập phương án, công khai và phê duyệt phương án... Trong đó, nội dung, tiêu chí thi đua phải cụ thể, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phải đúng với các quy định của pháp luật; đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, góp phần hoàn thành tốt nhất, nhanh nhất nhiệm vụ được giao về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Thứ ba,đổi mới công tác, lề lối làm việc của tổ công tác, hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo hướng linh động, hiệu quả, bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các cá nhân, tập thể có thành tích để khen thưởng; trong đó, cần quan tâm, động viên, khen thưởng người lao động trực tiếp, các gương điển hình tiên tiến trong công tác giải phóng mặt bằng đối với từng xã, phường...
Thứ tư, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của các địa phương tập trung cao độ để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tăng cường năng lực chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, đặc biệt các đối tượng có đất bị thu hồi; các cấp, các ngành, các địa phương có biện pháp thiết thực, cụ thể đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định để sớm ổn định được nơi ở, việc làm đảm bảo cuộc sống cho người dân trong phạm vị bị ảnh hưởng bởi dự án.
Thứ năm, tăng cường cải cách hành chính, duy trì hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, chống tiêu cực, lãng phí trong sử dụng các nguồn lực; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, cần tăng cường vận động, khuyến khích người dân đồng thuận, ủng hộ và chấp hành các cơ chế chính sách theo quy định của Nhà nước, phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng trước thời gian yêu cầu của Chính phủ cũng như của các địa phương. Giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đảm bảo không phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó đưa phong trào thi đua đến với từng người dân, từng hộ dân, từng thôn xóm.
Thứ bảy, để đảm bảo tiến độ chung của dự án giữa công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và công tác chuẩn bị đầu tư, Ban Chỉ đạo triển khai dự án yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các cấp, các ngành của thành phố khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư của dự án; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo khả thi; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và tiếp tục cắm mốc, bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng 22/58km còn lại cho các quận, huyện của thành phố (xong trước 31-10-2022).
Với tinh thần đó, thay mặt Ban Chỉ đạo triển khai dự án, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô kêu gọi cán bộ các cấp của 3 địa phương ra sức thi đua lập thành tích đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn của từng địa phương, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng, tuân thủ các quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí; phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30-6-2023 để phục vụ khởi công và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023 để thi công xây dựng công trình.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố Hà Nội luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành, chia sẻ để có thể triển khai dự án được thành công, mang lại hiệu quả thiết thực cho Vùng Thủ đô.