Để ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA
Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 01/10/2022
Cơ hội song hành thách thức
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, EVFTA đem đến các cam kết theo hướng mở cửa mạnh hơn với ngành logistics so với các hiệp định thương mại khác, giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics, tác động đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam. EVFTA còn giúp thu hút các nhà đầu tư EU cung cấp dịch vụ logistics, vận tải hàng hải cho thị trường Việt Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam hợp tác, học hỏi và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia.
Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2021, Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp. Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, ngày càng được nâng cao. Giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng Bee logistics Group Mai Trần Thuật cho hay, EVFTA đã tạo rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam. Trong đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics phát triển.
Song hành với các cơ hội, EVFTA cũng đem đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp logistics. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa, EU đặt ra các yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ logistics. Hàng hóa của Việt Nam phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trong suốt quá trình vận chuyển, giao nhận, đòi hỏi sự chuẩn bị về phương tiện, thiết bị, quy chuẩn với trình độ chuyên môn và công nghệ cao.
Hiện nay, khoảng 95% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ nắm giữ khoảng 30% thị phần, trong khi các doanh nghiệp logistics của EU rất mạnh và chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới, như các tập đoàn: DHL, Kuehne + Nagel, DB Schenker (Đức); Tập đoàn Maersk (Đan Mạch)...
Chuyển mình để bứt tốc vươn lên
Thời gian qua, ngành logistics đã có những bước phát triển nhanh, mạnh, với mức tăng trưởng 13-15%/năm. Việc Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực Đông Nam Á sau 2 năm thực thi EVFTA càng tạo đà cho ngành logistics Việt Nam tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngành logistics cần chuyển mình mạnh mẽ để bứt tốc vươn lên. Giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng Bee Logistics Group Mai Trần Thuật chia sẻ, rất khó để cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp logistics lớn nước ngoài, nên cần chọn cách hợp tác làm đại lý, thầu phụ với các hãng lớn.
Đáng chú ý, hiện vẫn chưa có các tuyến vận chuyển container của các hãng tàu Việt Nam kết nối sang châu Âu, châu Mỹ. Trong khi phương thức vận tải này là mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics với hơn 80% khối lượng hàng hóa thương mại trên toàn cầu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển. Với Tổng công ty May 10-CTCP có gần 35% thị phần hàng hóa xuất khẩu tới châu Âu, tuy nhiên, hiện chi phí dịch vụ logistics chiếm 9,3% giá thành sản phẩm. Từ thực tế này, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP Thân Đức Việt mong muốn sớm phát triển đội tàu chuyên dụng có tính năng hiện đại, trọng tải lớn nhằm khai thác tốt lợi thế hiện có đồng thời tránh phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài.
Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp logistics Việt Nam cần nỗ lực thay đổi tư duy, tiếp cận thị trường theo cách bình đẳng. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần nắm vững các quy định, liên kết đứng vững trên “sân nhà”, đầu tư chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó thúc đẩy chất lượng dịch vụ logistics theo yêu cầu của khách hàng.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa cho biết, Hiệp hội đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, tình hình thị trường và yêu cầu phát triển dịch vụ logistics của EU. Ngoài ra, Hiệp hội tập trung tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khi kinh doanh với các đối tác EU; kết nối doanh nghiệp Việt Nam - EU nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác…
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải thông tin, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics đến năm 2025. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương đã có kế hoạch triển khai cụ thể và hỗ trợ các doanh nghiệp ngành logistics. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư cho hạ tầng logistics, các ngành chức năng cũng tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp logistics tiếp cận trình độ quốc tế.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xây dựng Chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam làm cơ sở để hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển và đồng hành với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nhằm vươn mạnh hơn nữa ra thị trường thế giới”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.