Điều hành hài hòa, hợp lý giá xăng dầu hiện nay
Kinh tế - Ngày đăng : 18:23, 01/10/2022
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, vai trò chính của Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính là bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời phối hợp điều hành giá xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ là bám sát giá thế giới và sử dụng quỹ bình ổn linh hoạt.
Vì vậy, tại kỳ điều hành ngày 2-9 vừa qua, giá các loại xăng trong nước đã về mức tương đương tháng 7-2021, còn dầu diesel về tương đương tháng 3-2022.
Nhấn mạnh về công tác điều hành giá xăng dầu, ông Đỗ Thắng Hải lý giải về 3 nhóm lợi ích chính gồm: Doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào sản xuất; người tiêu dùng; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và tổng thể kinh tế vĩ mô như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tổng sản phẩm trong nước (GDP).
“Vừa qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, liên bộ Công Thương - Tài chính đã bám sát vào 3 nhóm lợi ích này, điều hành hài hòa, hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Về mức chiết khấu của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, hiện nay, mức chiết khấu là mức giảm giá của các đơn vị bán xăng dầu (như doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, phân phối...) bán cho các đối tượng khác. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, theo các quy định hiện hành, không có quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Còn việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước và Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng này (giá trần). Khi các doanh nghiệp bán xăng dầu thì bán bằng giá này, đồng thời tự quy định mức chiết khấu nào đó cho người mua.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, hiện nay, có thực tế khi nguồn cung xăng dầu dồi dào, giá thế giới giảm thì các doanh nghiệp đầu mối và bán xăng dầu có xu hướng tăng chiết khấu để đẩy lượng bán ra và ngược lại, khi giá tăng lên, họ sẽ giảm mức chiết khấu đi. Người phát ngôn Bộ Công Thương thừa nhận, thời gian qua, có tình trạng chiết khấu thấp xuất phát từ việc từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và các yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.
"Trong quý 2, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh nhập khẩu nhưng sang quý III, giá liên tục giảm, nhiều doanh nghiệp thua lỗ do nhập khẩu lượng lớn giá cao nhưng ở trong nước, với việc điều hành bám sát thế giới - giảm liên tục nên để tiết giảm các chi phí kinh doanh, buộc họ phải giảm mức chiết khấu cho doanh nghiệp phân phối", ông Đỗ Thắng Hải lý giải.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, đơn cử chi phí vận tải, vận chuyển… Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát, hạn chế mức tăng thì các chi phí này chưa được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối xăng dầu.
Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề xuất các cấp có thẩm quyền và ngày 23-9, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, việc xem xét các chi phí xăng dầu hợp lý thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính và đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ Công Thương thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguồn cung xăng dầu và lợi ích cho các doanh nghiệp xăng dầu.
“Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”, ông Đỗ Thắng Hải nói.