Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Tầm nhìn, khát vọng và động lực vươn tới
Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 03/10/2022
Bài 1: Thời gian không chờ đợi
Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trước năm 2027 theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, chiều 30-9, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh đã ký cam kết và giao ước thi đua bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án. Sự kiện một lần nữa khẳng định, hiếm có dự án nào mà tinh thần và ý chí quyết tâm thực hiện lại được cụ thể hóa một cách nhanh chóng, mạnh mẽ như lần này. Bởi, thời gian không chờ đợi ai…
Nhiệm vụ chính trị quan trọng
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Tại địa phận Hà Nội, tuyến đường dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.
Những ngày này, không khí triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án đang diễn ra rất khẩn trương ở các địa phương có dự án đi qua. Tại huyện Mê Linh, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm làm Trưởng ban thường xuyên giao ban đánh giá tình hình thực hiện ở các xã, các phòng, ban liên quan. Ban Chỉ đạo còn trực tiếp làm việc với Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng đoàn thể của các xã và thôn có tuyến đường đi qua để thống nhất quan điểm, cách làm, nhất là công khai thông tin, tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ.
Ở xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh), Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Giỏi cho biết, ngay khi nhận được chỉ đạo của huyện, Đảng ủy xã đã tổ chức hội nghị để quán triệt, phổ biến đến các đảng ủy viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, đồng thời giao nhiệm vụ cho các ủy viên Ban Thường vụ, Đảng ủy viên dự sinh hoạt tại các chi bộ để kịp thời phổ biến, tuyên truyền, quán triệt về dự án đến đảng viên.
Không chỉ ở Mê Linh, ở 6 quận, huyện khác có dự án đi qua, ban chỉ đạo đều do bí thư quận ủy, bí thư huyện ủy làm trưởng ban để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tại cấp xã, các ban chỉ đạo cũng đã được thành lập. Các địa phương còn bố trí các tổ công tác làm nhiệm vụ theo từng lĩnh vực, tiến hành đồng bộ khâu của công tác giải phóng mặt bằng.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định, thực hiện Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với quốc gia, vùng Thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận. Do đó, từ khi có chủ trương đầu tư và sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, huyện đã chủ động triển khai các nhiệm vụ. Không những thành lập ban chỉ đạo ở cấp huyện, cấp xã, Thường Tín còn thành lập các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ cụ thể, như: Kiểm đếm tài sản, hoa màu ở cơ sở. Huyện xác định rằng, dự án chậm triển khai 1 tuần, 1 tháng… sẽ kéo theo nhiều chi phí phát sinh và hiệu quả đầu tư bị ảnh hưởng nên việc triển khai ở cơ sở cần rất khẩn trương trên cơ sở đúng các quy định của pháp luật.
Đối với huyện Thanh Oai, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, đến nay, huyện đã hoàn thành việc bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 trên bản đồ và ngoài thực địa. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện cũng đã tổ chức hội nghị triển khai, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc và đề xuất để sớm đề ra các phương án tháo gỡ.
Thành công của dự án là danh dự!
Sự vào cuộc khẩn trương, có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương xuất phát từ tâm huyết và ý chí quyết tâm cao của các đồng chí lãnh đạo thành phố. Chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo triển khai dự án, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã chỉ rõ: "Các công việc triển khai thực hiện dự án hiện nay phải làm song hành, nói nôm na là “vừa chạy, vừa xếp hàng”; không có việc nào chờ việc nào và phải quyết tâm làm bằng được... Chúng ta xác định thành công của dự án là danh dự của thành phố. Vì vậy, từng đồng chí phải làm hết lòng, hết sức, làm thật nghiêm, thật tốt ngay từ đầu để làm gương, để nhân dân ủng hộ".
Có thể nói, chưa có dự án nào mà công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, khẩn trương và quyết liệt như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, nghị quyết, kế hoạch triển khai bảo đảm đồng bộ từ thành phố xuống cơ sở. Mới nhất, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13-9-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó yêu cầu 7 quận, huyện huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị. Gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.
Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 14-9-2022, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc trách nhiệm của thành phố. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu về giải phóng mặt bằng, tới tháng 6-2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng; tháng 12-2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng. Hoàn thành các thủ tục khởi công công trình trong tháng 6-2023. Trong quá trình triển khai thi công, tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, bảo đảm cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 12-2026 và đưa vào sử dụng năm 2027.
Không những chủ động công việc trên địa bàn Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội còn chủ động phối hợp với lãnh đạo hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh thống nhất các nội dung quan trọng, nhất là tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng mà lễ ký cam kết và giao ước thi đua diễn ra chiều 30-9 là minh chứng sống động cho tinh thần đồng thuận và quyết tâm chung này... Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, tỉnh sẽ cố gắng bắt kịp tiến độ giải phóng mặt bằng của Hà Nội… Trong khi đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, tỉnh xác định đây là công trình có tính động lực phát triển, nên sẽ quyết tâm thực hiện đúng tiến độ.
Từ nay đến thời hạn hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chỉ còn 15 tháng. Thời gian không chờ đợi và đòi hỏi rất khẩn trương. Nhưng với tình hình triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là ý chí quyết tâm, tinh thần vào cuộc của Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, có niềm tin rằng công tác giải phóng mặt bằng, bước khởi đầu cho những công việc tiếp theo và là “nút thắt” lớn nhất hiện nay sẽ về đích đúng tiến độ.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được kỳ vọng tạo không gian phát triển mới mang tính chiến lược, giải quyết một số tồn tại hiện nay của Thủ đô; khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Việc triển khai thực hiện dự án quan trọng này chính là hiện thực hóa quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã yêu cầu phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước năm 2027. Do đó, phải nhận thức rõ rằng, thực hiện dự án là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, không chỉ vì hiện tại mà còn vì tương lai phát triển của Thủ đô, của đất nước. Đây cũng chính là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra đối với các cấp, ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Thủ đô tham gia, đóng góp vì thành công của dự án.
(Còn nữa)