Đường dành cho người đi bộ chưa phát huy giá trị
Đời sống - Ngày đăng : 06:13, 04/10/2022
Những tuyến đường bị "sạn"
Thời gian qua, nhiều tuyến đường dành cho người đi bộ trên địa bàn thành phố đã phát huy tác dụng, mang lại vẻ văn minh cho đô thị. Tuy nhiên, không ít tuyến hiện nay đang bị lấn chiếm, khiến công năng không còn nguyên vẹn. Điển hình là tuyến dành cho người đi bộ ven sông Tô Lịch. Ngay khi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo tạm đóng tuyến đường để phục vụ thi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, con đường này trở thành điểm tập kết hàng rong và là nơi đổ rác, phế thải của một số người dân.
Theo quan sát của phóng viên ngày 1-10, tại đoạn đường dành cho người đi bộ tiếp giáp giữa đường Vũ Phạm Hàm và đường Láng, hàng loạt bao tải, túi ni lông chứa đầy rác, cùng những mảnh gỗ, ván đã bị mục chất chồng. Theo ông Nguyễn Thành Văn, người thường xuyên đi bộ tập thể dục ở tuyến đường này, những ngày mưa gió, rác thải khiến tuyến phố mất đi vẻ đẹp vốn có.
Tương tự, tuyến đường dành cho người đi bộ phố Thái Hà (quận Đống Đa), kéo dài từ ngã tư phố Yên Lãng, Hoàng Cầu đến sát Trung tâm Chiếu phim quốc gia dài 400m đẹp là thế nhưng hiện nay cũng đang có "sạn". Tại dải phân cách phân tách lòng đường và lối đi bộ, cây cối tiêu điều, trở thành nơi chứa rác thải. Chưa kể, nhiều người còn đỗ ô tô chắn ngay lối vào phần đường này.
Trên địa bàn quận Hoàng Mai, vỉa hè đoạn đối diện Bến xe Giáp Bát ở đường Giải Phóng được rào chắn nhằm cấm người đi xe máy leo lên vỉa hè. Tuy nhiên, vào giờ tan tầm vẫn có người bán hàng rong và nhiều rác thải vương vãi. Nhiều người đã phải đi bộ xuống lòng đường thay vì đi ở đường dành riêng cho mình, bởi "lối đi có nhiều rác thải khiến người đi bộ đi xuống lòng đường để tránh" - chị Lê Huyền Nga, người dân ở đường Giải Phóng cho biết.
Để ngăn xe máy đi vào đường dành cho người đi bộ, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã dựng rào chắn trên nhiều tuyến phố. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường vẫn bị những người bán trà đá, hàng rong chiếm dụng, như đoạn vỉa hè trước cổng Trường Đại học Thương mại, đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy); vỉa hè đường Nghiêm Xuân Yêm (quận Hoàng Mai); đoạn giao đường Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết, đối diện Bến xe Mỹ Đình, ngã ba Tố Hữu - cầu Mộ Lao (quận Nam Từ Liêm)…
Cần giải pháp hiệu quả
Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại tuyến đường đi bộ Láng Hạ, đường Láng (dọc bờ sông Tô Lịch), theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, quận đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và các phường Láng Hạ, Láng Thượng kiểm tra thực tế. Qua đó, quận đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức thu dọn và vận chuyển rác về nơi xử lý theo quy định.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng (quận Đống Đa) Đoàn Thị Hồng Thanh, phường đã cử lực lượng công an liên tục tuần tra, nhắc nhở, đồng thời vận động trên các nhóm Zalo để người dân nâng cao ý thức trong việc đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác vào đường dành cho người đi bộ.
Còn Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh thông tin, UBND quận đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận đôn đốc các nhà thầu tăng cường công tác duy tu, duy trì, bảo đảm vệ sinh khu vực vỉa hè đường Giải Phóng đối diện Bến xe Giáp Bát. Đồng thời, giao UBND phường Thịnh Liệt thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường, không xả rác và kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè; phối hợp lực lượng chức năng tuần tra, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm.
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Sở đã phối hợp với các địa phương kiểm tra thực tế tại tuyến đường dành cho người đi bộ ở phố Thái Hà và đường Láng (dọc bờ sông Tô Lịch); đã yêu cầu UBND quận Đống Đa tổ chức thu dọn, vận chuyển rác về nơi xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo phân cấp về công tác vệ sinh môi trường, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm duy trì vệ sinh môi trường tại địa bàn. Do vậy, việc để xảy ra tình trạng mất vệ sinh môi trường, rác thải, phế thải tồn đọng là thuộc trách nhiệm của địa phương.
Tình trạng lấn chiếm lối đi dành cho người đi bộ để kinh doanh, buôn bán, vứt rác thải..., thuộc trách nhiệm xử lý của chính quyền địa phương. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng và các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, hoa; đồng thời, có biện pháp hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn hành vi chiếm dụng cũng như đổ rác trộm tại những tuyến đường dành cho người đi bộ, để đô thị ngày càng sạch đẹp và văn minh hơn.