Nâng vị thế logistics thành phố Hồ Chí Minh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 05/10/2022
Còn nhiều hạn chế
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm qua, doanh thu dịch vụ logistics của các doanh nghiệp thành phố tăng trưởng bình quân 14%/năm. Năm 2021, ngành logistics chiếm 8,9% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này chưa như kỳ vọng do ngành logistics của thành phố còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Về hạ tầng logistics, thành phố Hồ Chí Minh tập trung đầy đủ các loại hình logistics như cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, ga hàng hóa. Trên địa bàn thành phố hiện có 5 cảng cạn (ICD) đang hoạt động với 1.112m cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu 5.000 tấn. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, như: Hệ thống đường bộ, đặc biệt đường Vành đai 2, 3 và 4 chưa hoàn chỉnh, kéo theo ùn tắc giao thông thường xuyên trên các tuyến đường kết nối vào cảng. Về hệ thống kho bãi, thành phố có tổng diện tích 63ha kho bãi với 1.505 kho hàng, trong đó 520 kho của doanh nghiệp sản xuất. Nhìn tổng thể, các kho hàng và trung tâm phân phối tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng thu hẹp do hạn chế quỹ đất, chuyển dần về hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, nơi có quỹ đất dồi dào hơn.
Hiện, cả nước có gần 30.000 doanh nghiệp logistics, trong đó có 54% tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hoàn, cán bộ Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp logistics thành phố chủ yếu cung cấp dịch vụ logistics giản đơn (cấp độ 2PL), đóng vai trò như vệ tinh cho các doanh nghiệp cung cấp logistics tích hợp (cấp độ 3PL, 4PL) của nước ngoài. Các doanh nghiệp logistics thành phố phấn đấu nâng cấp độ cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3PL, 4PL), phát triển logistics điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả. Một số doanh nghiệp đã tham gia vào mô hình chiến lược 3PL đặc thù tại thành phố như: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Transimex, ITL, Gemadept, Vinalink, Vinafco…
Theo khảo sát của Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh, chi phí logistics của thành phố những năm qua đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn ở mức mà doanh nghiệp phàn nàn. Ngành hàng có chi phí logistics khá cao là thủy, hải sản với chi phí logistics chiếm 25-30% tổng chi phí. Chi phí logistics các ngành hàng khác ghi nhận ở mức trên dưới 10% tổng chi phí của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Minh Phương Logistics Đặng Thị Minh Phương cho rằng, tiềm năng của ngành logistics thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Để phát huy tối đa tiềm năng này trong thời gian tới, thành phố cần quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cho logistics; hỗ trợ các doanh nghiệp logistics đầu tư sâu rộng hơn trong chuỗi dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần duy trì, phát triển hạ tầng giao thông để hỗ trợ logistics phát triển.
Phát triển xứng tầm vị thế
Để giải quyết các vấn đề quan trọng của hạ tầng logistics, theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, việc hình thành các trung tâm logistics hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay là hết sức bức thiết. Theo Đề án phát triển logistics thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố cần có 7 trung tâm logistics đạt chuẩn, với năng lực thông quan hàng hóa (TEUs) cao, cụ thể: Cát Lái 3.100.000-3.500.000 TEUs; Long Bình 2.500.000-3.000.000 TEUs; Hiệp Bình Phước 1.430.000-1.600.000 TEUs; Linh Trung 480.000-520.000 TEUs; Tân Kiên 450.000-500.000 TEUs; khu công nghệ cao 300.000 TEUs; Củ Chi 282.150-319.770 TEUs.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, để phát triển ngành logistics, bên cạnh xây dựng các trung tâm logistics, thành phố đề ra nhiều giải pháp như: Phát triển doanh nghiệp logistics; giảm chi phí logistics; hợp tác, liên kết vùng (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long); phát triển nguồn nhân lực logistics; chuyển đổi số hệ sinh thái logistics; hình thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong logistics; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về logistics.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, thành phố xác định logistics là một ngành rất quan trọng, với mục tiêu trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, thành phố xác định 3 trụ cột chính để phát triển ngành là xây dựng các trung tâm logistics, phát triển doanh nghiệp logistics và đào tạo nguồn nhân lực logistics.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng, phát triển ngành logistics thích ứng với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, từ đó nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ logistics của thành phố tương đương với các nước, trước hết là ngang bằng các nước châu Á”.