Dấu ấn vì nhân dân phục vụ
Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 06/10/2022
Thời gian qua, công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm việc 3 ca/ngày, từ 7h đến 22h hằng ngày để tận dụng tối đa thời gian sử dụng các bộ thiết bị thu nhận dữ liệu cấp căn cước công dân, trong đó chú trọng cấp cho người cao tuổi sức khỏe yếu, người khuyết tật...
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông chia sẻ: “Mỗi một bộ hồ sơ làm thủ tục cấp căn cước công dân cho đối tượng đặc biệt này hoàn thành có ý nghĩa hơn nhiều về mặt chỉ tiêu. Bởi, căn cước công dân gắn chíp sẽ là điều kiện cần, giúp đỡ người yếu thế đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc, điều trị sức khỏe, bảo hiểm”.
Với quyết tâm cao nhất, hằng ngày, Công an quận Hà Đông đã triển khai làm việc liên tục 15 giờ, “làm hết việc chứ không hết giờ” để cấp căn cước công dân. Đến nay, Công an quận đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đặt ra trong đợt cao điểm là thu nhận gần 13.000 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp trong tháng 8 và 9 vừa qua.
Điều ý nghĩa là trong đợt cao điểm cấp căn cước công dân cho người dân trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đơn cử như trường hợp Đại úy Vũ Thị Thu Dung, cán bộ Công an huyện Đan Phượng. Chồng chị không may qua đời, hiện Đại úy Vũ Thị Thu Dung đang sinh sống cùng bố mẹ già và 2 con nhỏ, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, Đại úy Vũ Thị Thu Dung vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được tăng cường vào bộ phận cấp căn cước công dân.
Thượng úy Lý Ngọc Tuấn, cảnh sát khu vực Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên) cũng là tấm gương sáng trong thực hiện nhiệm vụ cấp căn cước công dân. Trong thời gian dài thực hiện nhiệm vụ được giao, Thượng úy Lý Ngọc Tuấn tạm gác công việc gia đình để cùng các cán bộ trong đơn vị làm việc không ngưng nghỉ. Có nhiều đêm, gần như cả tổ cảnh sát khu vực thức trắng để rà soát nhân khẩu từ hồ sơ cũ phục vụ cấp căn cước công dân để tránh bị sai sót.
Tổ phó tổ liên gia số 7 (tổ dân phố 25, phường Bồ Đề, quận Long Biên) Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao tinh thần phục vụ nhân dân của Thượng úy Lý Ngọc Tuấn. “Tôi đã làm căn cước công dân từ tháng 7-2021, nhưng chưa thể nhận được theo thời hạn quy định do bị trùng lặp thông tin. Sau khi phản ánh với cảnh sát khu vực, tôi được đồng chí Lý Ngọc Tuấn tận tình giúp đỡ làm các thủ tục cấp mới căn cước công dân”, bà Nguyễn Thị Thanh cho hay.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương được chọn làm điểm, “làm mẫu” trong thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06). Sau hơn 8 tháng triển khai, đến nay, thành phố đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 với tổng số tiếp nhận và giải quyết hơn 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với 4 dịch vụ công còn lại, thành phố đã chủ động đề xuất phương án, đồng thời sẵn sàng phối hợp thực hiện triển khai theo hướng dẫn của các bộ, ngành chủ quản. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố để hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Trong thời gian tới, Công an thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, với sự nỗ lực, tận tâm với nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ, phấn đấu từ nay đến hết năm 2022, 100% công dân trên địa bàn Thủ đô được cấp định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID. Đồng thời, các cán bộ, chiến sĩ cũng tham gia tích cực trong đợt cao điểm tuyên truyền sắp tới về đăng ký tài khoản định danh điện tử trong đó tăng cường các hình thức tuyên truyền tới tận hộ gia đình với tiêu chí “Ai cũng hiểu, ai cũng có thể thực hiện được”.