Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phòng, chống thiên tai
Đời sống - Ngày đăng : 19:10, 06/10/2022
Dự hội thảo có lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Cơ quan phát triển quốc tế Thụy Điển tại châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng UN Women tại Việt Nam và hơn 80 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan của trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, dự án EmPower do Cơ quan phát triển quốc tế Thụy Điển tài trợ. Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia được chọn thực hiện dự án này.
"Đây là dự án tổng thể nhất, có mục tiêu trực tiếp về tăng cường bình đẳng giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu với các nhóm đối tượng hỗ trợ rộng nhất và có nhiều cơ quan cùng tham gia thực hiện nhất", ông Phạm Đức Luận đánh giá.
Theo Ban tổ chức, dự án được thực hiện từ năm 2018. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án chuẩn bị kết thúc và đang làm các thủ tục để xây dựng giai đoạn 2.
Báo cáo kết quả thực hiện dự án EmPower, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, từ năm 2019 đến nay, hội đã tổ chức 6 lớp tập huấn giảng viên nguồn về lồng ghép giới và vận động chính sách bình đẳng giới trong biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho hơn 160 cán bộ hội tại các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Lào Cai, Phú Yên, Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức các hội thảo "Hỗ trợ phụ nữ tái phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu", "Giới trong biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai"; biên soạn giáo trình "Giới và Môi trường"; xây dựng bài giảng "Lồng ghép giới trong quản lý rủi ro thiên tai"...
Chia sẻ phát hiện từ nghiên cứu thực trạng lồng ghép bình đẳng giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường) cho biết, khung thể chế và chính sách cho cả biến đổi khí hậu và bình đẳng giới ở Việt Nam khá toàn diện. Tuy nhiên, việc lồng ghép giới trong các chính sách về khí hậu còn hạn chế và yếu trong khung chính sách liên quan khí hậu theo ngành...
Kết luận hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) Lê Quang Tuấn cho biết, phát huy kết quả giai đoạn 1 của dự án, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề xuất cơ quan tài trợ cho triển khai giai đoạn 2 với các hoạt động nâng cao vai trò của phụ nữ trong Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cấp trung ương, cấp tỉnh. Bên cạnh đó, giai đoạn 2 của dự án tiếp tục đẩy mạnh nâng cao kỹ năng phòng, chống thiên tai cho phụ nữ; năng lực cho cấp địa phương...
"Năm 2023, Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban Quản lý thiên tai ASEAN, đóng vai trò then chốt trong các chương trình nghị sự. Vì vậy, chúng tôi sẽ lưu tâm đến các chương trình nghị sự về giới cũng như bảo đảm giới được lồng ghép trong phạm vi hoạt động, đầu ra phù hợp của kế hoạch quản lý thiên tai giai đoạn 2021-2025", ông Lê Quang Tuấn thông tin thêm.